Bí thư Nguyễn Văn Nên: "Một nền giáo dục thực chất mới tạo ra một xã hội phát triển thực chất"

(PLO)- Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đề nghị phải quan tâm hơn nữa đến cấp giáo dục mầm non.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 25-8, Sở Giáo dục- Đào tạo TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022- 2023.

Tại Hội nghị sáng nay, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã có những chỉ đạo, chia sẻ kỳ vọng và tâm huyết. PLO xin phép lược thuật.

Đại biểu tham dự buổi tổng kết sáng nay. Ảnh: NGUYỆT NHI

Đại biểu tham dự buổi tổng kết sáng nay. Ảnh: NGUYỆT NHI

Ngành giáo dục nỗ lực vượt qua đại dịch

Năm học 2021- 2022, ngành giáo dục TP gặp vô vàn khó khăn nhưng cả ngành giáo dục TP đã nỗ lực quyết tâm rất cao để vượt qua những thách thức lớn, thực hiện nhiệm vụ kép của ngành. Đó là vừa đảm bảo an toàn chống dịch, vừa hoàn thành kết quả năm học với chất lượng cao.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá cao nỗ lực của ngành giáo dục trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát. Ảnh: NGUYỆT NHI

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá cao nỗ lực của ngành giáo dục trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát. Ảnh: NGUYỆT NHI

Ở học kì 1 của năm học 2021- 2022, học sinh không thể đến trường trong khi TP thực hiện các biện pháp phòng chống dịch nhưng không dừng học. Đây là thử thách mới chưa từng có nhưng ngành giáo dục TP đã nhanh chóng chủ động thích ứng, triển khai đồng bộ, hiệu quả những giải pháp, tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm.

Cả ngành giáo dục đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, giữ được thành tích trong kì thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế, đặc biệt là trong kì thi Olympic quốc tế 2022.

Dù vậy, những hậu quả nặng nề của đại dịch còn để lại di chứng trên toàn xã hội và ảnh hưởng nhiều mặt đến ngành giáo dục. Từ đó, cần đánh giá đúng thực trạng, tình hình giáo dục TP trong năm qua để đưa sự nghiệp giáo dục phát triển đúng hướng, bền vững.

TP luôn nhận thức và hành động nhất quán với chủ trương xem giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, luôn xem giáo dục hoạt động quan trọng, có tác động trong mối liên hệ căn cốt với tất cả các lĩnh vực trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng phát triển TP này.

“Một nền giáo dục có thực chất mới tạo ra một xã hội phát triển thực chất. Muốn xã hội phát triển toàn diện và bền vững cần có một nền giáo dục phát triển toàn diện và bền vững tất cả các hoạt động, hệ đào tạo”- Bí thư Nên nhấn mạnh.

Tránh tình trạng độc quyền SGK

Ngành giáo dục cần tập trung lựa chọn việc gì cần làm trước, việc gì nên làm sau, có trình tự để đi, tránh rắc rối; Các, sở, ban ngành quận huyện, TP Thủ Đức quan tâm, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ thị của Bộ giáo dục về đào tạo, thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong 2022-2023.

Đồng thời, thực hiện 12 nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong bối cảnh hiện nay của TP một cách linh hoạt, sáng tạo; chủ động ứng phó với dịch bệnh, thiên tai, phối hợp với các ngành, nhất là ngành y tế để chuẩn bị phương án, kịch bản khi có dịch, không để bị động, bất ngờ.

Đồng thời phải quan tâm hơn nữa đến cấp giáo dục mầm non. Bởi năm học qua, giáo dục mầm non là bậc học gặp nhiều trở ngại, khó khăn do thực hiện các biện pháp giãn cách, phòng chống dịch thì các cháu không thể đến trường cũng không có điều kiện để học trực tuyến như các cấp trên.

Nhiều nhà trẻ đóng cửa, nhiều nhà giáo không có việc làm phải tự bươn chải, nhiều người không thể bám nghề. Việc trợ cấp cho nhà giáo và nhân viên ngành giáo dục mầm non chưa thật sự tốt. Ngành giáo dục cần tham mưu cho TP có giải pháp cụ thể, để bậc cha mẹ gửi con học bán trú có thể yên tâm làm việc.

Đồng thời, phải tìm cách động viên các nguồn lực tư nhân, các tổ chức cá nhân có điều kiện xây dựng các trường mẫu giáo hoạt động đúng quy định.

Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên trao danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc cho Trường THPT Trưng Vương. Ảnh: Nguyệt Nhi

Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên trao danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc cho Trường THPT Trưng Vương. Ảnh: Nguyệt Nhi

Về cấp giáo dục phổ thông, có nhiều vấn đề cần giải quyết. Các cấp cần quan tâm, phối hợp với ngành giáo dục để nắm chắc nhu cầu học tập, khả năng cung ứng của hệ thống trường lớp có đáp ứng đủ yêu cầu hay chưa.

Cần xác tín thông tin số học sinh tăng khiến trường lớp quá tải. Nếu có thật thì nó ở đâu, cụ thể như thế nào. Tình trạng này đã có hướng giải quyết chưa. Đây không chỉ là trách nhiệm của hệ thống giáo dục mà còn của hệ thống chính trị.

Ngoài ra, cần chú ý tính hai mặt của việc triển khai nhiều chương trình SGK, bởi nếu không khéo sẽ gây thêm phiền toái, rắc rối cho học sinh và phụ huynh.

Việc lựa chọn sách, môn học là thẩm quyền của sở và hội đồng chuyên môn. Nhưng để đảm bảo công bằng, khách quan thì phải tạo điều kiện nghiên cứu sát với tình hình để giáo viên, học sinh có điều kiện tham khảo nhiều sách khác nhau. Chú ý, tránh tình trạng độc quyền.

Công tác giáo dục là phải làm sao để con người hiểu được giá trị của việc học, vì sao phải học, học để làm gì, học như thế nào chứ không nói chung chung.

Nếu phát động chung chung, đưa ra chương trình hành động chung chung, thi đua chung chung thì sẽ có kết quả chung chung. Cần học để thay đổi để trở thành người có giá trị cho cuộc đời. Phải định hướng, tạo điều kiện cho học sinh học tập chứ không phải miễn cưỡng, gượng ép. Học như thế sẽ không có kết quả. Cần tạo ra một xã hội học tập, khuyến khích các cá nhân tự học để trở thành người có giá trị.

Tập trung giải quyết hạ tầng về giáo dục

Những khó khăn còn tồn tại mà ngành giáo dục nêu ra, cũng là khó khăn chung của TP. Đó là về áp lực tăng dân số cơ học, mật độ dân số cao trong khi quy hoạch xây dựng và phát triển hạ tầng nói chung, quy hoạch phát triển trường lớp nói riêng chưa theo kịp với nhu cầu học tập ngày càng cao của người dân TP. Sự khó khăn về hạ tầng kĩ thuật làm cho ngành giáo dục lúng túng trong việc dạy, học trực tuyến vừa qua.

Mỗi năm, TP.HCM phát sinh 30.000 học sinh, trường lớp không kịp, những hạ tầng khác kèm theo cũng không kịp. Trước tình hình này, đề nghị UBND TP có chỉ đạo để làm sao xây dựng hệ thống trường lớp đáp ứng được nhu cầu học tập hiện nay. Nếu có vướng mắc xung quanh vấn đề đất đai thì các cấp chính quyền phải tìm cách tháo gỡ.

Dạy học phải chú ý đến việc nói thật, làm thật

Tại buổi tổng kết, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng lưu ý việc chăm lo cho đội ngũ giáo viên, đảm bảo sự văn minh trong môi trường học tập; phải bằng mọi cách đảm bảo được đời sống của giáo viên bởi họ đã cống hiến hết mình cho ngành giáo dục của TP.

Nếu để tình trạng giáo viên phải bươn chải cho đời sống thì không thể yên tâm giảng dạy.

Cần tạo một môi trường học tập tốt để học sinh cảm nhận được mỗi ngày các cháu đi học là một ngày vui, thấy ý nghĩa của việc đến trường.

Ông cũng nhắc đến tính trung thực của việc học và nhắc thầy cô cố gắng thay đổi, trau dồi mình mỗi ngày để có phương pháp dạy học phù hợp hơn.

“Phải chịu khó lắng nghe sẽ thấy các cháu nghĩ gì. Phải nghĩ tới con đường đổi mới, bắt đầu từ cái gì, theo hướng nào để thực hiện tính trung thực”- ông nói và nhấn mạnh đến việc nói thật, làm thật, chấm điểm thật, phải làm sao để gạn được những giả dối, chọn cái trung thực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm