Mới đây, tại Bình Dương xảy ra vụ việc bà ĐTV (82 tuổi) sống tại phường Bình Thắng (TP Dĩ An), Bình Dương bị một con chó pitbull của con gái đang nuôi tấn công và cắn chết.
Thời gian qua đã có một số vụ người dân bị chó pitbull tấn công tử vong. Mặc dù đã được cảnh báo việc nuôi chó pitbull rất nguy hiểm, có thể tấn công gây chết người nhưng một số người vẫn nuôi loài chó hung dữ này trong nhà.
Một số bạn đọc đã tỏ ra bức xúc trước việc nuôi loài chó dữ mà thiếu kiến thức, không đủ điều kiện để đảm bảo an toàn cho chính mình và những người xung quanh.
Cần phải cấm nuôi những loài chó dữ
Liên quan đến vụ việc trên, anh Nguyễn Anh Sơn (quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết loài chó này lẽ ra phải cấm nuôi từ lâu. Bởi loài này rất khỏe, to cao nếu bị tấn công thì cho dù là thanh niên khỏe mạnh cũng không thể chống cự nổi, nói chi đến một cụ già yếu ớt. “Tôi thấy ở các trung tâm huấn luyện chó, để huấn luyện loài chó này, họ phải dùng dụng cụ chuyên dụng như roi điện, gậy… mới làm lại chứ sức người thì thua. Hơn nữa, loài chó dù có khôn đến cỡ nào thì vẫn có thể tấn công lại chủ hoặc người khác khi chúng thấy có sự tác động nào đó gây nguy hại cho chúng. Vì thế, đối với những loài chó này thì nên cấm nuôi ở hộ gia đình”.
“Đã xảy ra nhiều vụ loài chó pitbull tấn công người rồi mà vẫn còn nhiều người nuôi trong nhà, thật quá chủ quan. Đề nghị cơ quan chức năng cần sớm có quy định về việc cấm nuôi các loài chó dữ trong những khu dân cư để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân. Đồng thời, những ai cố tình nuôi thì cần có mức xử phạt thật nghiêm để không còn xảy ra những vụ thương tâm như vụ bà cụ bị chó tấn công ở Bình Dương” - chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung (quận Tân Phú, TP.HCM) ý kiến.
Phải có điều kiện nuôi chó dữ
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện chó nghiệp vụ PDS Việt Nam, cho biết hiện nay không có quy định cấm nuôi chó dữ trong nhà. Vì thế, việc cấm hay không cấm không quan trọng. Vấn đề ở đây là nuôi và quản lý chó như thế nào để đảm bảo được an toàn cho chủ nhà và cho những người xung quanh.
Ông Hà phân tích: Để đảm bảo an toàn khi nuôi chó thì người nuôi phải đáp ứng một số điều kiện cần thiết. Thứ nhất, người nuôi chó phải có kiến thức về quản lý và kiểm soát chó.
Thứ hai, nơi nuôi chó phải đảm bảo đủ cơ sở hạ tầng như có sân cho chó vận động, tường rào.
Thứ ba, nhà nào nuôi chó dữ thì phải có biển báo “nhà có chó dữ” để người khác biết đề phòng.
Thứ tư, người nuôi phải biết cách kiểm soát chó, khi chó cắn người phải biết cách gỡ.
Trên thực tế có nhiều người vẫn thích nuôi chó nhưng họ không có kỹ năng, không đủ điều kiện nuôi, dẫn đến nhiều tình huống bị chó tấn công gây hậu quả nghiêm trọng.
Chó thả rông ngoài đường, không đảm bảo các quy định về quản lý vật nuôi là chó, mèo. |
“Luật hiện tại chưa hướng dẫn cụ thể người dân được và không được nuôi chủng loại chó nào nên trước mắt cần phải có những quy định cụ thể về điều kiện khi nuôi chó dữ và nếu người nuôi không đáp ứng đủ điều kiện đó thì không được nuôi. Đồng thời, người nuôi chó phải viết cam kết, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra hậu quả khi chó tấn công người khác” - ông Hà nêu ý kiến.
Cũng theo ông Hà, để tránh những tình huống chó tấn công người thì trước hết người nuôi chó phải đáp ứng những điều kiện nêu trên. Đồng thời, những người xung quanh cũng phải có ý thức và không nên trêu chọc chó của người khác.
Cần lưu ý rằng đối với những chủng loại chó dữ, cao to khi tấn công trẻ em, người lớn tuổi thì rất nguy hiểm và khả năng tử vong cao. Chính vì thế, người nuôi chó cần luôn đề phòng, tránh để xảy ra những tình huống thương tâm như trên.
Theo luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích ở phía cạnh pháp lý thì tại Điều 66 Luật Chăn nuôi năm 2018 quy định khi nuôi chó, chủ vật nuôi phải thực hiện các yêu cầu như thực hiện tiêm vaccine phòng bệnh dại theo quy định. Đồng thời, chủ vật nuôi phải có biện pháp đảm bảo an toàn cho người và vật nuôi khác, giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y. Trường hợp chó, mèo tấn công gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Về việc quản lý vật nuôi là chó, Phụ lục 15, Thông tư 07/2016 (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 09/2021) của Bộ NN&PTNT cũng đã quy định rõ chủ nuôi chó phải đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư. Chủ nuôi chó phải xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; đảm bảo vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải đảm bảo an toàn cho người xung quanh bằng cách rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt.
“Như vậy, luật có quy định về quản lý vật nuôi là chó, mèo. Tuy nhiên, cần phải siết chặt quy định về điều kiện nuôi chó hơn, đặc biệt là những chủng loại chó dữ để tránh xảy ra các vụ việc thương tâm do bị chó dữ tấn công” - luật sư Hoan nói.•
Một số nước cấm nuôi chó pitbull vì nguy hiểm
Loài chó pitbull từ nhiều năm trước được đánh giá là loài động vật quá nguy hiểm, khi sinh sống với con người trong gia đình nên một số nước đã cấm nuôi.
Theo trang banpitbulls.org, trên thế giới có khoảng 39 quốc gia hoặc một số tỉnh, bang của quốc gia cấm nuôi chó pitbull.
Các nước đã cấm nuôi chó pitbull trên toàn quốc như Argentina, Bavaria, Belarus, Bermuda, Đan Mạch, Ecuador, Phần Lan, Pháp, Guyana, Ireland, Israel, Ý, Latvia, Liechtenstein, Malaysia, Malta, New Zealand, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Puerto Rico, Romania, Nga, Singapore, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, Vương quốc Anh, Venezuela, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UEA), Ukraine… PV