Kỳ họp thứ 5, Quốc hội (QH) khóa XIV đã kết thúc. Tuy họp ít ngày hơn thường lệ nhưng những vấn đề kinh tế-xã hội, cải cách thể chế lại được đặt ra một cách “nóng bỏng” hơn bao giờ hết.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh vai trò của Qh trong công tác lập pháp phục vụ phát triển: “Luật lệ không rõ ràng và hay thay đổi. Điều này trước hết thuộc trách nhiệm của QH”.
Thay đổi tư duy làm luật
. Phóng viên: Thưa ông, rõ ràng là các báo cáo tại QH vẫn ghi nhận những thành tích đạt được trong thời gian qua?
+ TS Nguyễn Đình Cung: Điều đó thể hiện nỗ lực của Chính phủ, doanh nghiệp (DN) và người dân. Nhưng nếu chỉ xét riêng góc độ DN, họ vẫn không thể lớn lên được và không muốn lớn. Điều này có nguyên nhân từ hệ thống thể chế không khuyến khích sáng tạo và cách làm mới. Thậm chí ranh giới giữa sáng tạo và không làm theo pháp luật, vi phạm pháp luật là rất mong manh. Mà hậu quả là tù tội.
. Liệu có đến mức như thế hay không, thưa ông?
+ Anh thấy đấy, thanh tra, kiểm tra lúc nào cũng vào được, bất chấp DN làm ăn có hiệu quả hay không. DN luôn ở thế thủ, không dám sáng tạo, mà khi sáng tạo ra rồi chưa chắc đã được làm. Làm rồi anh lại bị ngăn cản.
Hay đối với hệ thống phân bổ nguồn lực. Giả sử có một ý tưởng phân bổ đúng nguồn lực nhưng cũng không thể huy động được nguồn lực. Lẽ ra khi đổi mới, sáng tạo thì nguồn lực sẽ chạy về. Vấn đề hiện nay là ai giỏi chạy, giỏi xin cho thì có vốn chứ không phải ai làm tốt thì được phân bổ.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: “Quốc hội hoàn toàn có thể thuê hoặc kêu gọi những người khác góp sức để bãi bỏ ngay các luật, điều luật đang kìm hãm phát triển”. Ảnh: CHÂN LUẬN
Hoặc đất đai, thực tế đang diễn ra cảnh “lấy của người này cho người khác” chứ không phải là ai làm tốt thì được. Vốn nhà nước cũng vậy, khi chạy được dự án thì người ta tìm được vốn chứ không phải là do có ý tưởng tốt. Toàn bộ luật lệ để điều chỉnh thị trường này chưa có. QH phải là chủ thể đầu tiên chịu trách nhiệm về vấn đề này.
. Tức là ông đặt ra vấn đề QH phải thay đổi tư duy, nâng cao năng lực theo đúng nhiệm vụ, chức năng? Nhưng mặt khác, một trong những lý do để lần này họp ít ngày là vì các dự luật Chính phủ trình ít…
+ Điều này thể hiện nhiều vấn đề về năng lực hoặc nguyên tắc chỉ đạo xây dựng thể chế của QH. Chẳng hạn với kinh doanh, lẽ ra QH phải chỉ đạo Chính phủ trình các dự luật đảm bảo an toàn tài sản, công bằng, công khai, minh bạch… Nếu có hệ thống nguyên tắc đó thì các bộ không thể cài cắm lợi ích trong các dự luật.
Các ủy ban của QH cũng cần phải nâng cao năng lực. Một số ý kiến của đại biểu (ĐB) QH dường như vẫn nặng tính cục bộ, cá nhân, trong khi lẽ ra các ý kiến của ĐBQH phải vì quốc gia, vì lợi ích của dân tộc.
Và tôi cho rằng những điều này phải được nhìn từ nguồn gốc sâu xa là công tác lập pháp.
Nguyên tắc chung phải là: Một thể chế còn kém thì trách nhiệm đầu tiên là của QH. QH có thể nói Chính phủ trình chậm hoặc chưa trình. Nhưng trách nhiệm đầu tiên là của QH, của từng ĐBQH. Các ĐBQH không thể coi đó là việc của ai ấy, của Chính phủ chứ không phải là của mình.
Các đại biểu bấm nút thông qua một dự án luật tại một kỳ họp Quốc hội năm 2018. Ảnh: TTXVN
Gác cửa cho chắc những dự luật không đạt yêu cầu
. Có phải ý ông là QH có thể tự ban hành luật và từng ĐBQH cũng có thể đề xuất luật như trường hợp ĐBQH đã trình Luật Hành chính công?
+ Đúng vậy, không nhất thiết lúc nào Chính phủ cũng là chủ thể trình các dự luật lên QH. Bởi lẽ Chính phủ trình luật là một nhu cầu tự thân, vì Chính phủ cần luật để điều hành. Nhưng QH có thêm một nhiệm vụ khác trong công tác lập pháp là phải “hạn chế” được Chính phủ trình luật, ngoài việc thông qua các luật. Nhiều luật không đạt yêu cầu nhưng vẫn thông qua thì không ổn. Phải mạnh dạn trả về các dự luật không đạt yêu cầu, không đúng theo tư duy cải cách.
. Dường như ông có mâu thuẫn. Ở trên ông nói QH còn cần phải tự mình ban hành luật, còn vừa rồi ông nói QH phải biết “hạn chế” chính phủ trình luật.
+ Không phải. Ý tôi là QH cần phải ban hành được các luật khuyến khích phát triển, bởi những kìm hãm phát triển hiện nay đang nằm ở các luật mà QH đã ban hành. QH hoàn toàn có thể thuê hoặc kêu gọi những người khác góp sức để bãi bỏ ngay các luật, điều luật đang kìm hãm phát triển.
Nếu Chính phủ trình luật chậm hoặc chậm đề xuất sửa đổi luật thì QH hoàn toàn có thể tự mình làm.
Ví dụ, QH chưa thấy Chính phủ trình luật sửa đổi Luật Đất đai thì có thể tự mình làm. Bởi điểm nghẽn hiện nay chính là việc thừa nhận quyền sử dụng đất là tài sản của nông dân chứ không phải là công cụ sản xuất của nông dân. Đồng thời, phải làm cho đất đai sinh lời đa dạng nhất chứ không phải chỉ quản lý đất đai theo địa giới hành chính. Bởi quyền sử dụng đất thực chất là tài sản của nông dân.
. Xin cám ơn ông.
Tăng quy mô nhưng chưa tạo ra các thị trường mới . Từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ cũng làm được nhiều việc. Có thể điều này khiến công tác trình các dự luật không đạt yêu cầu. + Chính phủ hiện nay làm được khá nhiều việc nhưng không tạo được cạnh tranh công bằng. Cạnh tranh phải thay thế “quan hệ” để thúc đẩy được khoa học công nghệ. Chính phủ chỉ tháo gỡ được các nghị định, chỉ mở rộng được quy mô thị trường hiện nay chứ chưa tạo ra được thị trường mới. Lâu nay ta bàn luật về quản lý nhà nước và những luật này thường tách biệt ra khỏi thị trường. Trong khi đó, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa quy định Nhà nước và thị trường phải như hai bàn tay. Mà điều này, như tôi nói, trách nhiệm thuộc về QH. Còn Chính phủ, hai năm qua đã cố gắng tăng được quy mô, mức độ cạnh tranh của các thị trường hiện có, còn các thị trường chưa có hoặc đang méo mó thì không làm gì được. . Vậy chẳng lẽ những thành tích đạt được chưa có tính bền vững? + Chính phủ có làm thì cũng chỉ nâng cao được hiệu quả kỹ thuật của vấn đề chứ không tạo ra hiệu quả động năng của nền kinh tế. Hiệu quả kỹ thuật thì trong từng nội bộ, cơ quan, DN thôi, còn điều quan trọng nhất là hiệu quả phân bố nguồn lực phải được đẩy lên, dịch chuyển từ nơi hiệu quả thấp sang nơi có hiệu quả cao. Chẳng hạn, hiện nay sản xuất lúa gạo đang kém nhất thì chúng ta lại đang dành diện tích nhiều nhất, lao động nhiều nhất. Làm gạo thấp hơn hàng trăm lần làm các thứ khác thì tại sao cứ bắt nông dân phải làm? Vì chúng ta không để cho thị trường điều tiết, khiến cho ngay cả những người có ý tưởng hay không thể tích tụ được nguồn lực để phát triển. Hoặc thị trường bất động sản luôn nóng lạnh thất thường là bởi vì nó không phát triển được do không có thị trường đất đai, không có thị trường đất đai vì Luật Đất đai chưa sửa được. Trách nhiệm suy cho cùng vẫn là của QH. |
Nhiều dự án luật còn rất xa cuộc sống Đại biểu NGỌ DUY HIỂU Mặc dù nhiệm kỳ mới Đảng đã quyết liệt chỉ đạo việc thể chế hóa đường lối, chủ trương nghị quyết của Đảng thành pháp luật; Quốc hội có nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng pháp luật và Chính phủ tập trung chỉ đạo cải cách thể chế nhưng việc cải thiện tình hình này chưa nhiều, chưa đáp ứng mong đợi của nhân dân và doanh nghiệp về phát triển trong yêu cầu mới. Chất lượng của nhiều dự án luật còn rất xa cuộc sống. Có người đã nói quy định pháp luật thì trên trời, còn cuộc đời thì ở dưới đất. Đây là vấn đề tôi cho rằng chúng ta phải hết sức quan tâm chỉ đạo trong thời gian tới để các bộ, ngành cần phải tập trung hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật. Đại biểu NGỌ DUY HIỂU, TP Hà Nội Quá tải và có những dự án luật thiếu chất lượng Đại biểu TRIỆU THỊ THU PHƯƠNG Việc lập chương trình xây dựng pháp luật có sự quá tải. Ví dụ như theo dự kiến thì tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội sẽ thông qua 10 dự án luật và cho ý kiến sáu dự án luật khác. Các dự án luật do các cơ quan, tổ chức trình là quá lớn so với khả năng chuẩn bị cũng như quỹ thời gian, còn một số dự án được đưa vào chương trình nhưng chưa xem xét một cách toàn diện. Việc lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa sát thực tế, chưa dự báo đầy đủ yêu cầu của thực tiễn nên tính khả thi chưa cao, do đó nhiều dự án luật đưa vào rồi lại rút ra khỏi chương trình. Ví dụ, năm 2017 bổ sung sáu dự án luật, lùi thời gian trình năm dự án, rút khỏi chương trình ba dự án; hai dự án luật được thông qua theo quy trình ba kỳ họp. Năm 2018, Chính phủ đề nghị điều chỉnh thời gian trình ba dự án và bổ sung 10 dự án. Để việc thẩm tra, thảo luận của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội có hiệu quả, có chất lượng, việc gửi hồ sơ các dự án luật phải được thực hiện nghiêm túc nhằm đảm bảo thời gian cho các đại biểu nghiên cứu. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số bộ, cơ quan trình hồ sơ, tài liệu còn chậm, nội dung còn sơ sài, chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng, thủ tục và tiến độ. Cơ quan thẩm tra của Quốc hội trong một số trường hợp cũng chưa thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vẫn còn tình trạng nể nang, nhất là trong việc chậm gửi hồ sơ. Đại biểu TRIỆU THỊ THU PHƯƠNG, Bắc Kạn Nâng cao trách nhiệm cơ quan soạn thảo Đại biểu TRƯƠNG MINH HOÀNG Những dự án luật bị đưa ra khỏi chương trình, lùi thời gian sang các kỳ họp sau là việc thể hiện quyết tâm cao về tính nghiêm túc trong thẩm tra, thẩm định của các cơ quan có chức năng được phân công. Chính việc làm cương quyết này cũng là nhắc nhở và đốc thúc thêm các cơ quan được phân công chủ trì soạn thảo. Tôi cho rằng phải đánh giá cho công bằng hơn về vấn đề này. Thực tế, chúng tôi có dự một vài phiên họp thường kỳ của Chính phủ và chứng kiến việc những cơ quan bị các cơ quan thẩm tra, cơ quan thẩm định và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị trả hoặc lùi thời gian, buộc người đứng đầu của cơ quan được phân công soạn thảo phải giải trình, làm rõ nguyên nhân và phải nhận trách nhiệm về mình trước phiên họp của Chính phủ. Tôi cho đây là việc làm thể hiện sự nghiêm túc trong quá trình chuẩn bị và quan tâm của Chính phủ. Các cơ quan của Quốc hội được phân công thẩm tra các dự án luật cũng cương quyết chuyển lại và phối hợp ngay từ đầu. Chính vì vậy chất lượng trong các luật đã trình bày, đã được Quốc hội cho ý kiến đã được nâng cao. Những điều này cần phải phát huy và có như vậy mới có khả năng những dự án luật được thực hiện trong thời gian sắp tới đạt được chất lượng nhiều hơn. Đại biểu TRƯƠNG MINH HOÀNG, Cà Mau |