Ông cho hay dự luật xuất phát từ mong muốn có nơi đặc biệt với chính sách đột phá thu hút đầu tư phát triển, đột phá về mô hình tổ chức chính quyền. Người dân cũng đặc biệt quan tâm đến dự luật này, trong đó quan tâm nhất là “làm sao giữ gìn được an ninh trật tự, vấn đề độc lập chủ quyền”.
“Đấy là điều quan tâm, cho nên cần tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu và điều chỉnh sao để mọi người yên lòng và bấm nút là bấm cho đại diện nhân dân chứ không bấm riêng cho ĐBQH” - ông nói.
ĐBQH Vũ Trọng Kim.
Theo ông, thời khắc Quốc hội bấm nút về dự luật sẽ thành lịch sử dù thông qua, hay không thông qua vì nó đang đặt ra trước mắt các ĐBQH, yêu cầu các ĐBQH phải “thay mặt nhân dân quyết định như thế nào cho chính xác”. “Tôi nghĩ rằng phải để cho ĐBQH có thời gian nghiên cứu thêm và thảo luận với thời gian xác đáng mới có thể bấm nút. Bấm nút phải yên lòng, bấm nút là phải yên tâm” - ông nhấn mạnh.
Sáng cùng ngày bên hành lang Quốc hội, ĐB Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho biết chiều 7-6, Quốc hội đã tổ chức cuộc họp tiếp thu các ý kiến, chỉnh lý lại dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì.
Theo ông Xuyền, cuộc họp có sự tham gia của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Thường trực Ủy ban Pháp luật, các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ban, ngành có liên quan. "Cũng như các luật khác với luật này thấy còn nhiều ý kiến của cử tri, dư luận nên Quốc hội tổ chức cuộc họp mời Chính phủ sang và đại diện các cơ quan rộng hơn để xem xét, tiếp thu các ý kiến và chỉnh lý lại cho phù hợp" - ông Xuyền nói.
ĐBQH Bùi Văn Xuyền.
Vị Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết về các nội dung tiếp thu, chỉnh lý lại trong dự thảo Luật vì còn chờ xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền là Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trước khi trình ra Quốc hội. Tuy nhiên, ĐB Xuyền cũng nêu quan điểm cá nhân của mình về dự luật.
Ông nói: “Quan điểm cá nhân của tôi nên thông qua dự án Luật trong kỳ họp này bởi một đạo Luật thường một kỳ cho ý kiến, một kỳ thông qua, với các luật phức tạp có nhiều ý kiến khác nhau thì giữ lại. Với dự án luật này dù phức tạp, có nhiều ý kiến nhưng các cơ quan soạn thảo đã làm rất kỹ và thực tế chưa có luật nào làm công phu như thế này, tất cả bộ, ngành của Chính phủ đều vào cuộc để làm”.
Theo ông, hiện các khu kinh tế, công nghiệp... của Việt Nam các ưu đãi đã đến mức độ bão hòa, tốc độ phát triển đang chậm lại, việc thành lập ba đặc khu nhằm tạo ra mô hình kinh tế, tổ chức bộ máy mới để bứt phá.