Tại Điều 6, 7 dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (có thể nói gọn là luật đặc khu) có quy định về việc áp dụng pháp luật nước ngoài hoặc tập quán quốc tế đối với các hợp đồng dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động có yếu tố nước ngoài và việc giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh.
Theo tôi, có một số vấn đề cần làm rõ từ hai quy định trên.
Đảo Cái Bầu là đảo trung tâm, giàu nguồn tài nguyên của huyện Vân Đồn, Quảng Ninh, nơi dự kiến sẽ phát triển đặc khu Vân Đồn - Ảnh: TTXVN
1.Việc áp dụng pháp luật nước ngoài hoặc tập quán quốc tế đối với các hợp đồng dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động có yếu tố nước ngoài
Thứ nhất, luật pháp của một nước không thể đương nhiên được áp dụng cho các quan hệ dân sự, lao động, kinh doanh, thương mại tại một nước khác, ngay cả khi các quan hệ này “có yếu tố nước ngoài”.
Trong tư pháp quốc tế, một quan hệ dân sự có “yếu tố nước ngoài” khi có 1 trong 3 yếu tố: Về chủ thể: ít nhất một trong các bên tham gia quan hệ là cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài; về đối tượng: khi đối tượng liên quan đến quan hệ này ở nước ngoài; hoặc căn cứ, xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ theo pháp luật nước ngoài hoặc phát sinh ở nước ngoài.
Đối với Việt Nam, theo khoản 2 Điều 663 Bộ luật Dân sự 2015 thì quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây: Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài; các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài; các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.
Thứ hai, luật nước ngoài, cụ thể là luật dân sự, lao động, thương mại, hôn nhân gia đình của nước ngoài chỉ có thể áp dụng tại một nước khác nếu thỏa mãn hai điều kiện: Đây phải là một quan hệ có yếu tố nước ngoài như trên, và trên cơ sở điều ước quốc tế giữa các bên hay pháp luật của các bên cho phép như vậy, hay do các bên trong quan hệ dân sự thỏa thuận lựa chọn.
Điều 664 Bộ luật Dân sự 2015 quy định cụ thể về việc xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Theo đó, pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam có quy định các bên có quyền lựa chọn thì pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo lựa chọn của các bên. Trong trường hợp không xác định được pháp luật áp dụng theo như hai trường hợp trên thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đó.
Ngoài ra, việc áp dụng pháp luật nước ngoài, ngay cả khi thỏa mãn hai điều kiện trên cũng có những ngoại lệ nhất định, theo đó pháp luật nước ngoài có thể không được áp dụng đối với các lĩnh vực như giao dịch bất động sản (phù hợp với điểm a khoản 1 Điều 470 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015), hoặc các quan hệ lao động, quan hệ tiêu dùng nếu gây ra hậu quả xấu cho người lao động, người tiêu dùng dựa trên nguyên tắc bảo vệ lợi ích công cộng.
Thêm vào đó, pháp luật Việt Nam cũng có quy định, pháp luật nước ngoài có thể không được áp dụng nếu hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam; nội dung của pháp luật nước ngoài không xác định được mặc dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật tố tụng.
Trong những trường hợp này, pháp luật Việt Nam sẽ được áp dụng. Cuối cùng, việc áp dụng pháp luật cũng không được gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng theo quy định của luật và không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự Việt Nam.
2.Vấn đề “tòa án nước ngoài”
Tòa án nước ngoài được hiểu là các tòa án các cấp của một nhà nước nước ngoài có thẩm quyền xét xử các vụ án dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động có yếu tố nước ngoài và việc xét xử này bao gồm việc áp dụng pháp luật về hình thức (tố tụng) và luật nội dung của nước có tòa án đó.
Dự luật Đặc khu đang gây ra nhiều ý kiến tranh luận khác nhau.
Theo nguyên tắc lex fori, một khi tòa án nước ngoài thực hiện quyền xét xử của mình thì tòa sẽ áp dụng luật tố tụng của nước đó (tức là nước có tòa án). Vấn đề còn lại là về luật nội dung, tức là các quy định pháp luật cụ thể để tòa áp dụng cho vụ việc này, sẽ do tòa án quyết định căn cứ vào một trong hai yếu tố: do sự thỏa thuận áp dụng luật nào của các bên hoặc do sự dẫn chiếu đến luật nước có tòa án căn cứ vào quy phạm xung đột, ví dụ như các quy tắc như áp dụng luật nơi thực hiện hợp đồng (lex locus forman regis actum), luật nơi ký kết hợp đồng (lex loci contractus), luật nơi thực hiện nghĩa vụ (lex loci solutionis)….
Một khi tòa án một nước khác có thẩm quyền xét xử, theo nguyên tắc luật tòa án thì có hai vấn đề đặt ra: vụ việc sẽ được xét xử tại nước có tòa án, tức là nước mà nguyên đơn gửi đơn kiện đến tòa yêu cầu giải quyết chứ không phải là một nơi nào khác; và tòa án nước này trong quá trình xét xử sẽ áp dụng luật hình thức của mình và luật nội dung tùy thuộc vào sự lựa chọn của các bên hay sự dẫn chiếu của các quy phạm xung đột.
Trong trường hợp này, việc tòa án một nước có áp dụng luật nội dung của một nước khác hay không ngay cả khi luật này được dẫn chiếu đến cũng phải tuân thủ những nguyên tắc áp dụng pháp luật mà về nguyên tắc, trước hết nó phải được áp dụng theo đúng cách thức mà nó sẽ được áp dụng ở nước có các hệ thống pháp luật đó. Đồng thời, việc từ chối áp dụng pháp luật nước ngoài có thể đặt ra trong trường hợp nếu hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài sẽ gây ảnh hưởng đến trật tự công cộng, tức là trái với những nguyên tắc cơ bản của chế độ xã hội và của pháp luật quốc gia đó.
Nói như vậy cũng có nghĩa là nếu như nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện tại tòa án nước họ về vụ việc liên quan đến tranh chấp giữa các nhà đầu tư liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại đặc khu thì không có chuyện tòa án nước này sang một nước khác để xét xử một vụ việc tranh chấp, hay tòa này mặc nhiên áp dụng luật của nước mình cho vụ tranh chấp, cho dù theo các quy tắc nêu trên tòa án này có thẩm quyền đi nữa.
3.Vấn đề thi hành bản án, quyết định của tòa án nước ngoài
Vấn đề thi hành bản án, quyết định của tòa án nước ngoài là một vấn đề độc lập với vấn đề liệu vụ việc có thuộc thẩm quyền của tòa án nước ngoài hay không? Đây là vấn đề bản án, quyết định đó sẽ có hiệu lực hay không và được thi hành như thế nào ở nước phải thi hành bản án, quyết định đó?
Về cơ bản, các bản án quyết định bao gồm về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, ngoài ra cũng bao gồm quyết định của tòa án nước ngoài về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của tòa án nước ngoài.
Thứ nhất, bản án có hiệu lực của tòa án nước ngoài không mặc nhiên có hiệu lực thi hành ở nước còn lại, tức là nước mà bản án, quyết định đó sẽ được thi hành. Để bản án, quyết định này được thực hiện, nó phải được tòa án của nước phải thi hành bản án, quyết định công nhận và trên cơ sở đó cho thi hành.
Điều này cũng tương tự việc tòa án của một nước công nhận và cho thi hành tại nước mình các phán quyết, quyết định của trọng tài nước ngoài được giải quyết bằng Công ước Newyork năm 1958 về công nhận và cho thi hành các quyết định của Trọng tài nước ngoài.
Tuy nhiên, cần lưu ý là, toà án nước phải thi hành không xem xét lại nội dung bản án, quyết định, do đó thủ tục công nhận chỉ nhằm xem xét tính khánh quan của quá trình ra bản án, quyết định đó. Về vấn đề thi hành, khi đã được công nhận và cho thi hành thì thực tiễn các hiệp định tương trợ tư pháp cho thấy thường chỉ quy định vấn đề chuyển tiền và tài sản thi hành bản án, quyết định ra nước ngoài, trong khi đó các nội dung liên quan đến việc cưỡng chế thi hành bản án, quyết định được hiểu là do pháp luật của nước phải thi hành bản án, quyết định đó quy định.
Thứ hai, có hai vấn đề cụ thể. Một là, một bản án có hiệu lực của tòa án nước ngoài sẽ chỉ có hiệu lực tại nước phải thi hành sau khi nó được được công nhận và cho thi hành tại nước đó, điều này thuộc thẩm quyền và theo trình tự, thủ tục của nước phải thi hành bản án, quyết định này. Hai là, cơ sở của việc công nhận và cho thi hành các bản án, quyết định này là các điều ước quốc tế có quy định về vấn đề này giữa các nước liên quan hoặc trên cơ sở “có đi có lại” giữa các nước với nhau.
Tóm lại, các bản án, quyết định của tòa án nước ngoài không phải mặc nhiên được thi hành tại Việt Nam và muốn được thi hành tại Việt Nam cần phải trải qua một số thủ tục.