Ngay sau phiên khai mạc, sáng 21-5, kỳ họp lần thứ 5 (Quốc hội khóa XIV) đã bắt đầu nóng lên khi Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2017 và kế hoạch 2018 đã nhấn mạnh tới công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí cũng như xây dựng thể chế…
AVG, Đà Nẵng, Phước Kiển, Vũ “nhôm”…
Theo báo cáo, trong bốn tháng đầu năm 2018, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo xử lý nhiều vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, xã hội quan tâm, được dư luận đồng tình, ủng hộ như vụ Công ty Dịch vụ viễn thông MobiFone mua Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu An Viên (AVG ), các sai phạm đất đai tại Đà Nẵng…
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho hay công tác phòng, chống tham nhũng được chú trọng với việc tập trung điều tra, truy tố, xét xử công khai, nghiêm minh các vụ án tham nhũng lớn, dư luận quan tâm, như vụ đánh bạc và tổ chức đánh bạc trên Internet, các vụ án liên quan đến sai phạm tại một số ngân hàng thương mại, Tập đoàn Dầu khí.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ của Ủy ban Kinh tế do Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh trình bày cho biết: “Một số vụ việc gần đây liên quan đến công tác định giá doanh nghiệp trong cổ phần hóa, việc mua cổ phần của doanh nghiệp, quản lý đất công, bán chỉ định đất công không qua đấu giá công khai… thể hiện sự cố ý làm trái quy định pháp luật về quản lý tài sản, vốn của Nhà nước của một số cán bộ, công chức, lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp”.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2017 và kế hoạch 2018. Ảnh: QH
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế dẫn ngay những ví dụ đang nóng như vụ Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận ký chuyển nhượng hơn 30 ha phần diện tích đã đền bù tại khu dân cư Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè (TP.HCM); vụ AVG…
Báo cáo này cũng cho hay tình hình tội phạm tham nhũng diễn biến phức tạp, số vụ án tham nhũng và số bị can bị khởi tố tăng so với năm 2016. Quản lý, sử dụng tài sản công chưa chặt chẽ, qua một số vụ việc đã phát hiện thất thoát lớn, phải xử lý trách nhiệm hình sự cả cán bộ ở cơ quan địa phương và trung ương. Như vụ chuyển nhượng trái phép nhiều tài sản công tại Đà Nẵng cho Phan Văn Anh Vũ, đã khởi tố bị can với hai cán bộ nguyên chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.
Tăng trưởng quý I-2018 cao ngất nhưng…
Về tình hình thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu trong nghị quyết của QH về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết trong số 13 chỉ tiêu đã được thông qua, có bốn chỉ tiêu đạt và tám chỉ tiêu vượt mục tiêu kế hoạch, tăng thêm ba chỉ tiêu vượt kế hoạch so với số đã báo cáo QH.
GDP quý I-2018 được Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhắc đến như một “ấn tượng trong điều hành kinh tế” bởi đó là mức cao nhất của quý I trong 10 năm trở lại đây (7,38%).
Dù vậy, Phó Thủ tướng cũng thừa nhận nền kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, còn đòi hỏi các cấp, các ngành tiếp tục dành thời gian, nguồn lực và tập trung khắc phục. Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018 dự báo có xu hướng giảm dần theo các quý do tăng trưởng 2017 đã ở mức cao.
Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%-6,7% mà QH đã đồng ý cũng được Phó Thủ tướng nhấn mạnh sẽ tập trung các giải pháp để đạt được. Trong đó, có những “sự phấn đấu” như giảm lãi suất ở phân khúc một số lĩnh vực ưu tiên. Nguyên tắc được đề ra là thực hiện chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng, không đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách mở rộng tín dụng; ưu tiên mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất, thay vì tạo áp lực bắt buộc giảm lãi suất đối với hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng…
Việc thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2017 vượt 76,48 ngàn tỉ đồng (6,3%) so với dự toán nhưng ngân sách trung ương bị hụt thu. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá sâu hơn, báo cáo rõ về nguyên nhân, giải pháp chống thất thu, nâng cao hiệu quả công tác thu ngân sách nhà nước. Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, hiện có 5.917 điều kiện kinh doanh của các bộ tại các cửa khẩu với khoảng 100.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành. Tỉ lệ hàng hóa làm thủ tục kiểm tra 2-3 lần chiếm 58%. Trung bình mỗi năm doanh nghiệp phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công với chi phí 14.300 tỉ đồng để làm các thủ tục này. |
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Võ Hồng Thanh cho rằng: Số liệu báo cáo của Chính phủ đã thể hiện các trụ cột tăng trưởng kinh tế chưa thật bền vững khi động lực tăng trưởng chính chủ yếu dựa vào khai thác dầu khí, than, kiều hối và đóng góp của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi đó công nghiệp chế biến có nhiều đóng góp nhưng mới chỉ dừng lại ở khâu gia công, chưa phải là công nghệ cao, tỉ lệ giá trị gia tăng trong giá trị sản xuất có xu hướng giảm.
“Xuất khẩu còn phụ thuộc lớn vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm tỉ trọng 72% (riêng Tập đoàn Samsung tại Việt Nam xuất khẩu hơn 53 tỉ USD, chiếm gần 25% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2017 của Việt Nam” - ông Vũ Hồng Thanh nói.
Với việc cải thiện môi trường kinh doanh, Ủy ban Kinh tế cũng nhận định dù có tiến bộ nhưng “tình trạng “giấy phép con, cháu” còn khá nhiều, môi trường kinh doanh có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn rào cản, chưa đạt hiệu quả như mong đợi”.
Trấn áp tội phạm chưa đáp ứng mong đợi của dân Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, thời gian qua đã xảy ra một số vấn đề đạo đức và bạo lực ở một số cơ sở y tế và giáo dục, vấn đề xâm phạm danh dự, thân thể nhà giáo, việc một số giáo viên chưa có thái độ đúng mực với học sinh; tính công khai, minh bạch và thực chất tôn vinh trong việc công nhận các chức danh giáo sư, phó giáo sư... gây bức xúc trong dư luận. Công tác bảo đảm trật tự, an toàn xã hội gặp nhiều khó khăn. Công tác trấn áp tội phạm ở một số đô thị lớn chưa đáp ứng mong đợi của người dân. Bên cạnh đó, gần đây xuất hiện một số vụ việc có dấu hiệu lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc gây phức tạp về an ninh, trật tự, gây bất ổn trong xã hội. |