Kiểm toán Nhà nước chuyển nhiều vụ việc sang cơ quan điều tra

Chiều 21-5, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Hồ Đức Phớc đã trình bày báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách năm 2016.

Theo báo cáo, chi thường xuyên vốn chiếm tới 2/3 chi ngân sách và KTNN phát hiện có 39/47 địa phương được kiểm toán vẫn còn quyết toán một số khoản chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức. Số tiền bị kiến nghị thu hồi, nộp ngân sách, giảm thanh toán, dự toán năm lên tới 670 tỉ đồng.

Trong đó, Hà Nội 17 tỉ đồng, Bình Thuận 171 tỉ đồng; Tây Ninh 132 tỉ đồng; Quảng Bình 177 tỉ đồng; Bà Rịa-Vũng Tàu 74 tỉ đồng; Bình Định 49 tỉ đồng…

Đáng kể, có 31/47 địa phương được kiểm toán sử dụng sai nguồn kinh phí 1.952 tỉ đồng. Điển hình như Vĩnh Phúc sử dụng sai 691 tỉ đồng, Sóc Trăng 399 tỉ đồng, Vĩnh Long 281 tỉ đồng, TP Hải Phòng 141 tỉ đồng.

22/47 địa phương chi hỗ trợ không đúng nhiệm vụ chi 121 tỉ đồng, trong đó một số địa phương còn hỗ trợ cho các công ty bóng đá. Cụ thể, tỉnh Tây Ninh hỗ trợ Công ty Cổ phần Bóng đá Tây Ninh từ năm 2014 đến 2016 mỗi năm 4 tỉ đồng. Quảng Ninh hỗ trợ đội bóng đá của Công ty TNHH MTV Bóng đá Quảng Ninh trả lương cho các cầu thủ và nhân viên của công ty 10 tỉ đồng.

Năm 2017, KTNN đã chuyển bốn vụ việc sang Cơ quan CSĐT (Công an TP Hải Phòng), kiến nghị điều tra làm rõ và xử lý về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Trong đó có những vụ việc cụ thể mà Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, như vụ việc UBND quận Hồng Bàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quản lý dự án đầu tư (nghiệm thu thanh toán không đúng khối lượng so với thực tế thi công) đối với Dự án đầu tư xây dựng công viên cây xanh từ Bến xe Tam Bạc (cũ) đến chân cầu đường bộ Tam Bạc (giai đoạn II).

Sở TN&MT TP Hải Phòng có dấu hiệu vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý sử dụng tiền và tài sản nhà nước; Công ty Xi măng Phúc Sơn có dấu hiệu vi phạm về thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước (trốn thuế) và khai thác tài nguyên trái phép…

Ngoài ra, KTNN đã cung cấp 12 bộ hồ sơ, tài liệu kiểm toán cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.

Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cũng cho hay: Dù thu ngân sách khó khăn nhưng tình trạng người nộp thuế hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận còn lại phải nộp ngân sách nhà nước… vẫn diễn ra khá phổ biến. KTNN xác định số phải nộp ngân sách tăng thêm hơn 19.000 tỉ đồng.

Những doanh nghiệp có vốn nhà nước bị KTNN kiến nghị nộp thêm vào ngân sách nhà nước với số tiền lớn như: Tổng Công ty Cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) 2.600 tỉ đồng; Tổng Công ty Cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội (Habeco) 1.800 tỉ đồng; Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam 1.700 tỉ đồng; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam 255 tỉ đồng…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm