Quốc hội hôm nay (21-5) khai mạc kỳ họp thứ 5. Trong các dự án luật được bàn thảo lần này được trông đợi nhiều là Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi. Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ phó Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, thành viên tổ biên tập dự án luật này.
Khắc phục tai tiếng “luật không răng”
. Phóng viên: Không khí sôi động, củi lửa nóng bỏng từ sau Đại hội XII đến giờ tác động thế nào vào quá trình nghiên cứu, sửa đổi Luật PCTN, thưa ông?
+ Ông Nguyễn Tuấn Anh: Tác động trực diện. Theo đuổi quá trình nghiên cứu, sửa đổi luật này, tôi cảm nhận rất rõ.
Chẳng hạn, việc đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đã được đặt ra từ lâu nhưng phải tới lần này dự luật đã dành hẳn một chương để quy định về vấn đề này, đồng thời đưa vào thành một nguyên tắc trong xử lý người có hành vi tham nhũng. Theo đó, trường hợp người có hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu thì phải bị tăng nặng trách nhiệm kỷ luật. Đấy cũng là một cách cụ thể hóa trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.
Quy định về những việc không được làm đối với cán bộ, công chức nói chung và người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu nói riêng, nhất là mở rộng đối tượng người thân trong bố trí công việc có nguy cơ xung đột lợi ích cũng vậy.
. những vụ việc đang nóng hiện tại đều xảy ra từ trước, chẳng qua giờ quyết liệt thì phát hiện và xử lý. Vậy đây là chuyện của thi hành pháp luật chứ đâu phải do quy định bất cập?
+ Hôm rồi Thanh tra Chính phủ tổ chức tọa đàm thì cũng có ý kiến như vậy. Tôi thì nghĩ khác một chút. Ý nghĩa lớn nhất của củi lửa hai năm qua không phải là bản thân các vụ việc đó hay số vụ việc được phát hiện, xử lý, mà là giá trị phát động, đẩy mạnh, giữ nhiệt cho công cuộc PCTN. Mà để giữ cho “lò” luôn nóng bỏng thì phải giải quyết những bài toán cơ bản, nhất là mặt pháp quyền của PCTN. Như thế phải hoàn thiện thể chế, trong đó có sửa Luật PCTN.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ phó Vụ Pháp chế , Thanh tra Chính phủ.
Mặt khác, hạn chế, yếu kém trong thực thi pháp luật thì cũng có phần nguyên nhân từ quy định không phù hợp. Như kê khai tài sản chẳng hạn, rất hình thức, hàng triệu lượt kê khai nhưng không phát hiện được tham nhũng… là do chính quy định và giờ phải sửa.
. Vừa rồi công chúng dường như chỉ quan tâm tới vấn đề kê khai tài sản, thu nhập. Thế nhưng PCTN đâu chỉ là vấn đề tài sản?
+ Tài sản “khủng”, biệt phủ của quan chức là thứ mà người dân dễ thấy, dễ cảm nhận nên có nhiều ý kiến. lần sửa đổi này đâu chỉ có vậy. Dù nhóm nội dung về minh bạch tài sản, thu nhập được sửa đổi, bổ sung rất nhiều nhưng còn có nhiều nhóm vấn đề khác cũng được hoàn thiện.
Chẳng hạn trong dự thảo, lần đầu tiên quy định cụ thể một số hành vi vi phạm trong thực hiện pháp luật về PCTN và gắn với đó là chế tài cụ thể. Lâu nay Luật PCTN vẫn bị chê là không có răng, bởi đưa ra nhiều quy định, trách nhiệm về công khai, minh bạch, về các giải pháp phòng ngừa… nhưng không có chế tài kèm theo. Giờ sửa đổi thì khắc phục được phần nào.
Đề xuất Thanh tra Chính phủ theo dõi biến động tài sản
. Về vấn đề kê khai tài sản và nghi vấn tài sản bất minh, năm rồi nổi cộm lên chuyện biệt phủ của một giám đốc sở ở Yên Bái mà Thanh tra Chính phủ phải lập đoàn xác minh. Những cọ xát như vậy có làm bộc lộ khiếm khuyết trong các quy định minh bạch tài sản, thu nhập hiện tại?
+ Tổng kết 10 năm thì thanh tra các cấp đã tiến hành xác minh gần 5.000 trường hợp. Nhưng rồi gần như chưa phát hiện, kết luận được trường hợp nào là có tài sản bất minh hay do tham nhũng mà có.
Như vụ việc ở Yên Bái, Thanh tra Chính phủ lập đoàn xác minh đấy nhưng cuối cùng chỉ kết luận được là người ta kê khai không trung thực. Còn xông vào xác minh nguồn gốc để xử lý tài sản thì vướng. Luật có quy định cụ thể việc đó đâu.
những việc như vậy cho thấy quyền tài sản được pháp luật bảo hộ rất mạnh nhưng lại thiếu các công cụ pháp lý, thẩm quyền đặc biệt để tác động khi có nghi ngờ đó là tài sản bất minh. Ngoài ra, cần phải có lực lượng chuyên trách, có quy trình nghiệp vụ bài bản thì mới có thể đi vào lĩnh vực mà vốn được bảo hộ chặt chẽ này.
. Nhìn vào quá trình phát triển của Luật PCTN thì vấn đề minh bạch tài sản, thu nhập đã có độ mở nhất định. Ban đầu bản kê khai tài sản được lưu trong hồ sơ cán bộ như là tài liệu mật, đến năm 2012 thì phải công khai tại cơ quan nơi làm việc. Đã công khai thế rồi thì tại sao kết quả phát hiện kê khai không trung thực lại thấp vậy?
+ Từ không phải kê khai đến kê khai hằng năm, từ bản kê khai đưa vào hồ sơ quản lý như tài liệu mật đến công khai tại nơi công tác thì đó là sự phát triển dần, làm quen dần với minh bạch tài sản, thu nhập. Tuy nhiên, qua tổng kết thì thấy hiệu quả phát hiện là không như kỳ vọng.
Có điều khoản riêng về kiểm soát xung đột lợi ích Lần sửa đổi này bổ sung một số quy định nhằm xây dựng văn hóa liêm chính, nói không với tham nhũng. Trong đó, lần đầu tiên luật hóa quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn và có điều khoản riêng về kiểm soát xung đột lợi ích. Đây cũng là cách tiếp cận của nhiều nước để phòng ngừa tham nhũng. Bởi việc không kiểm soát được xung đột lợi ích chính là môi trường cho tham nhũng, tiêu cực phát sinh… |
Tôi nghĩ do văn hóa công sở mình khiến cho cán bộ, công chức ngại ngần soi xét nhau. Ngay cả giao thẩm quyền cho người quản lý, sử dụng cán bộ, công chức quyết định xác minh tài sản của cấp dưới khi nghi ngờ kê khai không trung thực thì thực tế chưa thấy ông thủ trưởng nào chủ động thực hiện.
Vậy nên lần này Chính phủ đề xuất xác định rõ hơn cơ quan, đơn vị có sự độc lập tương đối với người kê khai để chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập, đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia để phục vụ cho công tác này. Chẳng hạn, giao Thanh tra Chính phủ quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia ấy và trực tiếp chịu trách nhiệm theo dõi biến động tài sản, thu nhập từ cỡ giám đốc sở trở lên. Như thế khắc phục được tính cả nể, hình thức khi để từng cơ quan, đơn vị tự tổ chức kê khai, công khai bản kê khai và tự kiểm tra, xác minh trong nội bộ mình. Như thế sẽ xây dựng được bộ phận chuyên trách, dần hoàn thiện nghiệp vụ để theo dõi lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm này.
. Đã qua một vòng lấy ý kiến đại biểu Quốc hội rồi, mức độ ủng hộ cho phương án này thế nào?
+ Cũng chưa nghiêng hẳn. Một số ý kiến cho rằng chỉ cần điều chỉnh một chút về đầu mối cơ quan quản lý bản kê khai tài sản, còn thì vẫn phân tán như lâu nay. Một số ý kiến khác muốn làm quyết liệt, triệt để hơn, lập hẳn một cơ quan chuyên trách quản lý toàn quốc bản kê khai tài sản cũng như cơ sở dữ liệu tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức.
Nếu Quốc hội ủng hộ phương án này thì tôi nghĩ là rất đột phá. Thống nhất quản lý thông tin về kê khai tài sản, xây dựng cơ sở dữ liệu để theo dõi quá trình biến động tài sản, hình thành quy trình nghiệp vụ để so sánh, đối chiếu, phát hiện dấu hiệu bất thường trong đời sống vật chất, kể cả là tinh thần của người có chức vụ… Những vấn đề ấy, khi đến lúc chín muồi, tôi nghĩ còn phải xin ý kiến cấp có thẩm quyền.
. Xin cám ơn ông.
Chính sách hình sự trong PCTN còn khiếm khuyết BLHS hiện hành quy định 12 tội tham nhũng nhưng lại đưa ra định lượng vật chất mà phải từ mức đó trở lên mới là tội phạm và bị xử lý hình sự. Như thế cũng là hành vi tham nhũng nhưng giá trị sai phạm thấp hơn thì chỉ có thể xử lý hành chính. Có điều là ngay cả xử lý hành chính thì hiện cũng chỉ có thể áp dụng được trong khu vực công vụ, bằng chế tài kỷ luật. Còn tham nhũng trong khu vực tư, dù BLHS năm 2015 đưa vào với bốn tội tham ô, đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ. Nhưng bốn hành vi ấy mà giá trị thấp thì hiện chưa có quy định nào để xử phạt hành chính. Một khoảng trống pháp lý nữa là BLHS 2015 lần đầu tiên đã quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân, tuy nhiên diện áp dụng mới chỉ một số tội mà trong đó không có tội về tham nhũng. Đây thực sự là khe hở chính sách, bởi dịch chuyển tài sản, quyền, nghĩa vụ từ cá nhân sang pháp nhân là rất dễ dàng. Cá nhân tham nhũng tìm cách che giấu hành vi phạm pháp của mình bằng cách chuyển dịch sang cho pháp nhân. Ông NGUYỄN TUẤN ANH, Vụ phó Vụ Pháp chế, |