Tại đây, ông Nguyễn Văn Kim (Quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ) cho biết dự thảo đã xây dựng hai phương án xử lý tài sản kê khai không trung thực, không kê khai; tài sản biến động mà không được giải trình một cách hợp lý.
Các đại biểu vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề truy thu tài sản tham nhũng. Ảnh: TÂM AN.
Cụ thể, thu thuế suất 45% đối với phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm và phạt tiền 45% giá trị tài sản, thu nhập công khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm.
Truy thu thuế suất 45% tài sản tham nhũng?
Theo đại biểu (ĐB) Nguyễn Mạnh Cường (Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội), việc bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực; tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý là cần thiết và phù hợp với kiến nghị của ĐB QH.
Tuy nhiên, việc quy định chung một hình thức xử lý cho tất cả các trường hợp kê khai không trung thực; tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý là chưa phù hợp.
Theo ông Cường, các trường hợp có tính chất, mức độ vi phạm khác nhau cần có cách xử lý khác nhau. Đơn cử, đối với trường hợp tài sản, thu nhập kê khai không trung thực nhưng chứng minh được nguồn gốc hợp pháp thì cần cân nhắc việc có nên truy thu tài sản hay không, hay chỉ nên xử lý vi phạm về con người. Nếu có xử lý về tài sản thì mức độ cũng phải thấp hơn so với tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp lý.
"Cái này cũng rất khó. Bởi có nhiều trường hợp ngay cả vợ cũng không biết chồng mình có tài sản gì. Vụ ông chủ tịch huyện tự tử chẳng hạn, ông ta có nhà nhưng vợ có biết đâu. Hoặc có những tài sản vì lý do nào đó mà người ta không kê khai thì xử lý thế nào? Cái này phải hết sức cân nhắc” – ông Cường nói.
TS Nguyễn Đình Quyền (Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp) cũng cho rằng việc xử lý tài sản liên quan đến tham nhũng (TN) là vấn đề khó nhất của Dự thảo.
Thực tế tổng kết hơn 10 năm thi hành Luật PCTN cho thấy việc thu hồi tài sản do tham nhũng mà có qua từng năm chỉ trên dưới khoảng 10% số tài sản Nhà nước bị thất thoát. Bởi vậy, việc nghiên cứu để có thể thu hồi được tài sản của Nhà nước đã mất là rất cần thiết.
“Riêng đối với tài sản mà cán bộ, công chức, người có chức vụ quyền hạn có được một cách bất thường, không giải thích được hoặc giải thích không hợp lý về nguồn gốc hợp pháp thì đến nay vẫn chưa có quy định, cơ chế xử lý. Việc này gây bức xúc trong quần chúng nhân dân như vụ nuôi lợn, buôn chổi đót để xây biệt phủ ở Yên Bái. Tuy nhiên, xây dựng cơ chế pháp luật thế nào thì phải đảm bảo tính hợp lý, hợp pháp và đồng bộ, thống nhất giữa dự án Luật PCTN với các văn bản quy phạm pháp luât liên quan” – ông Quyền nói.
TS Nguyễn Đình Quyền (Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp) cho rằng tài sản tham nhũng được che đậy rất tinh vi. Ảnh: TÂM AN
Mở rộng đối tượng kê khai
Ông Quyền cho rằng việc xem xét tài sản không giải trình được hợp lý hoặc kê khai không trung thực dưới góc độ trốn thuế và phải truy thu 45% là việc làm bình thường. Tuy nhiên, đây là vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của luật quản lý thuế và các đạo luật về thuế khác chứ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật PCTN (sửa đổi).
Theo dự thảo Luật PCTN (sửa đổi), đối tượng phải kê khai tài sản hàng năm là những người được hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên hoặc dưới 0,9 nhưng làm việc ở một số vị trí công tác trong lĩnh vực kiểm toán, thuế, tòa án…
Trong khi đó, đối tượng phải kê khai lại là người được bầu, được phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, được cử giữ chức vụ khác.
“Dự thảo vừa thu hẹp (hệ số chức vụ là 0,9), vừa mở rộng một số đối tượng khác là hợp lý. Tuy nhiên, mở rộng đến đâu thì phải đảm bảo tính khả thi, hiệu quả. Mở rộng người được bổ nhiệm vào ngạch công chức theo tôi cũng là quá rộng, vì kiểm soát ở mức độ đơn giản có nghĩa là không thể kiếm soát được gì. Kê khai mà không kiểm soát thì coi như vô nghĩa” – ông Quyền nói.
Cũng theo ông Quyền, mục tiêu của công khai bản kê khai tài sản, thu nhập là để mọi người giám sát, có điều kiên phát hiện tham nhũng. Tuy nhiên, trong điều kiện Nhà nước chưa thể kiểm soát được tài sản, thu nhập của mọi đối tượng trong xã hội thì việc phát hiện tham nhũng thông qua công khai bản kê khai thu nhập, tài sản là không tưởng.
“Qua thực tiễn xét xử các vụ án tranh chấp tài sản, có những vụ án phải qua nhiều cấp xét xử, mất rất nhiều năm mới phân định được tài sản của ai. Vậy mà chỉ qua bản kê khai tài sản thì căn cứ vào đâu để phát hiện hành vi tham nhũng? Vì tài sản TN thường được che đậy rất tinh vi, tài sản thường đứng tên người khác nên việc mở rộng phạm vi công khai không có ý nghĩa gì nhiều trong phát hiện TN” – ông Quyền cho hay.