Sáng 11-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng đây là dự án Luật được cử tri vô cùng quan tâm.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng
“Có hai luồng ý kiến. Phần đông cử tri đang rất ủng hộ chống tham nhũng. Một nhóm không phải không muốn chống tham nhũng nhưng họ có một số tài sản nhất định, đang rất nghe ngóng xem cách thể hiện luật của chúng ta quy định thế nào để họ cách ứng xử cho phù hợp” - ông Dũng nói và dẫn chứng có những người có mấy tỉ đồng, không biết khai kiểu gì nên cứ cho con đi học (nước ngoài).
“Cách xử lý của chúng ta như thế nào để vừa chống được tham nhũng vừa để đồng tiền đang có trong nước không chạy tuột ra nước ngoài. Mình vay nước ngoài được một vài triệu USD, cảm ơn lên cảm ơn xuống nhưng ta làm mất hàng chục tỉ USD lại chả thấy xót xa gì” - vẫn lời ông Dũng.
Một trong điểm mới đáng chú ý, dự thảo luật trình ra phiên họp lần này đã bổ sung Điều 59. Điều này quy định về xử lý tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm.
Chính phủ đề xuất hai phương án: Phương án 1, cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan thuế thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời với đó, dự thảo Luật sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (bổ sung Điều 18a và điểm g khoản 2 Điều 23) quy định mức thuế suất 45% đối với thu nhập chịu thuế do vi phạm quy định của Luật PCTN. Đây là phương án được Chính phủ lựa chọn.
Phương án 2, cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm.
Cả hai phương án, dự thảo luật đều quy định người bị thu thuế hoặc bị xử phạt hành chính có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện tại tòa hành chính về kết luận xác minh tài sản, thu nhập.
Việc thu thuế hay xử phạt hành chính đều không loại trừ trách nhiệm hình sự nếu các cơ quan có thẩm quyền chứng minh tài sản đó do phạm tội mà có.
Thẩm tra dự án luật, theo Ủy ban Tư pháp (UBTP), tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc bất hợp pháp (do vi phạm pháp luật, phạm tội mà có) thì tùy từng trường hợp, pháp luật hiện hành đã có quy định cụ thể để xử lý hình sự hoặc xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức thu hồi, trả lại cho chủ sở hữu hoặc tịch thu sung công…
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga
Riêng đối với tài sản, thu nhập không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc thì đến nay pháp luật vẫn chưa có quy định xử lý, trong khi không loại trừ một số tài sản này có thể có nguồn gốc từ tham nhũng, từ vi phạm pháp luật nhưng Nhà nước chưa chứng minh được.
UBTP cho rằng việc dự thảo luật tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, bổ sung quy định xử lý đối với loại tài sản, thu nhập này là cần thiết để nâng cao hiệu quả công tác PCTN, phù hợp với xu thế chung của quốc tế về PCTN.
“Đây là vấn đề lớn, có liên quan đến quyền sở hữu tài sản là quyền cơ bản của công dân được Hiến định nên việc xử lý theo phương án nào cần được cân nhắc rất kỹ, thận trọng để vừa bảo đảm quyền cơ bản của công dân, vừa đáp ứng yêu cầu PCTN” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay.
Cũng theo UBTP, đặc điểm xã hội nước ta là người dân có truyền thống tích lũy, tiết kiệm, tặng cho, thừa kế trong gia đình; tài sản của cán bộ, công chức được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau (ngoài thu nhập từ lương thì nhiều người còn làm thêm để tăng thu nhập dưới nhiều hình thức). Trong khi Nhà nước chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội, pháp luật hiện hành cũng chưa quy định buộc người dân phải chứng minh nguồn gốc hình thành số tiền để mua tài sản, nhất là những tài sản có giá trị lớn; chưa quy định đánh thuế đối với tài sản....
“Về mặt pháp lý không thể mặc nhiên coi tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc là tài sản tham nhũng để tịch thu bằng biện pháp hình sự theo hướng suy đoán có tội” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói. Cũng theo bà, đa số ý kiến của UBTP tán thành mức thuế suất 45% với những lý do như giải trình của Chính phủ.