Lâu nay, nhiều người mua trúng tài sản đấu giá đã không ít lần bị thiệt thòi vì bị chậm giao tài sản, bị chủ cũ tái chiếm…, giờ lại thêm một lần “đau khổ” nữa vì trúng giấy tờ giả. Điều này khiến mọi người rất lo ngại.
Trong trường hợp báo nêu, sau khi nghiên cứu các quy định, tôi thấy khó quy trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan. Có thể phác họa chu trình của vụ việc như sau: Ban đầu người phải thi hành án (THA) thế chấp hồ sơ nhà, đất của mình để vay tiền, hợp đồng thế chấp được công chứng. Ngân hàng giữ toàn bộ hồ sơ nhà, đất của bên vay. Bên vay không trả tiền, ngân hàng khởi kiện và phải cung cấp bản sao bộ hồ sơ nhận thế chấp để tòa án đối chiếu bản chính. Sau khi có bản án, quyết định có hiệu lực của tòa án, ngân hàng nộp đơn yêu cầu THA và nộp cho cơ quan THA bộ hồ sơ nhà đất, đã nhận thế chấp. Cơ quan THA dân sự chỉ có chức năng và thẩm quyền xác minh về tài sản từ các cơ quan liên quan, các cơ quan quản lý nhà nước về tài sản đó chứ không có chuyên môn, nghiệp vụ kiểm tra các hồ sơ tài liệu đó là thật hay giả. Người cung cấp hồ sơ, tài liệu chịu trách nhiệm về tính xác thực của các hồ sơ, tài liệu mà mình cung cấp. Khi bán đấu giá, hợp đồng bán đấu giá sẽ được công chứng. Cơ quan THA sẽ giao toàn bộ hồ sơ, chứng từ cho người trúng đấu giá để đi cấp giấy chứng nhận.
Theo quy trình trên, có ít nhất hai lần có sự chứng nhận của tổ chức hành nghề công chứng. Tổ chức hành nghề công chứng là cơ quan có nghiệp vụ và thẩm quyền kiểm tra hồ sơ là thật hay giả. Khi đã xác định đúng hồ sơ thật, công chứng viên sẽ chứng nhận hợp đồng rồi giao toàn bộ hồ sơ cho ngân hàng. Kể từ khi bộ hồ sơ giao cho ngân hàng quản lý theo hợp đồng thế chấp thì không cơ quan nào có thẩm quyền hay chuyên môn bị bắt buộc phải kiểm tra đó là giấy tờ thật hay giả nữa, kể cả tòa án. Như vậy có thể nói để lọt lưới hồ sơ giả cũng có một phần lỗi của nơi đây nhưng quy trách nhiệm thế nào trong trường hợp này thì tôi chưa thấy có quy định cụ thể.
Về thực chất, việc bán đấu giá là xử lý về tài sản để giải quyết THA theo bản án, quyết định THA trên cơ sở yêu cầu của đương sự. Chứng từ sở hữu nhà, quyền sử dụng đất không còn là chứng từ pháp lý bắt buộc phải có trong việc THA. Có những trường hợp, người phải THA báo mất hoặc không nộp giấy tờ về quyền sở hữu thì việc THA vẫn được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Các tài liệu như bản án, quyết định THA, hợp đồng bán đấu giá mới là các hồ sơ, tài liệu làm căn cứ cấp giấy chứng nhận cho người mua trúng đấu giá. Do đó trong trường hợp này bà Đoàn Thị Phú phải được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất mà mình đã trúng đấu giá.
Cũng qua vụ này, tôi cho rằng cơ quan THA và cơ quan cấp giấy chứng nhận cần có quy chế phối hợp, kiểm tra sự hợp pháp của chứng từ, tài liệu do các đương sự cung cấp để tránh rơi vào trường hợp giấy tờ giả. Tuy việc này sẽ làm chậm quá trình giải quyết THA nhưng thiết nghĩ cần phải thực hiện và cũng cần giải thích cho đương sự hiểu.