Trong cuộc gặp với lãnh đạo TP.HCM tháng 10-2017 vừa qua, TS Ngô Thị Phương Lan (Phó Hiệu trưởng ĐH KHXH&NV TP.HCM) đã đề xuất dùng công nghệ số để xây dựng một ứng dụng mà nạn nhân bạo lực gia đình chỉ cần “chạm và quẹt” là được tiếp cận và tiếp nhận. Bởi vì nạn bạo hành vẫn diễn ra âm thầm trong các gia đình, những vụ việc được phát hiện chỉ là một phần rất nhỏ trong xã hội.
Bà Trần Thị Thanh Hương (Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 11, phường 8, quận 11, TP.HCM) kể: Ở khu phố 11 có một cặp vợ chồng thường xảy ra mâu thuẫn. Người chồng hay đánh vợ no đòn. Người dân thờ ơ vì cho rằng vợ chồng đánh lộn là chuyện thường ngày ở huyện. Vài lần chị vợ đã chạy lên công an phường cầu cứu nhưng họ không can thiệp vì cho rằng đó là chuyện nội bộ. Bà Hương bức xúc nói: “Phụ nữ chưa có sự chia sẻ của cộng đồng vì bị định kiến theo kiểu vợ có sao chồng mới đánh. Chỉ có hội phụ nữ chúng tôi đơn độc trong việc phòng, chống bạo lực gia đình”.
Các nữ đại biểu bày tỏ ý kiến về vấn đề bạo lực gia đình với lãnh đạo TP.HCM trong một hội nghị. Ảnh: HỒNG MINH
Bà Hương lo lắng khi sức chịu đựng quá giới hạn, nhiều phụ nữ có thể có những hành vi tiêu cực như tự tử hay tưới xăng đốt chồng. Bà nói: “Chúng tôi rất lo lắng. Tôi đề nghị Thành ủy chỉ đạo tất cả hội đoàn thể phải tham gia phòng, chống bạo lực gia đình, cộng đồng phải tham gia mạnh mẽ hơn nữa, xã hội còn quá nhiều định kiến với phụ nữ”.
Bà Nguyễn Thủy (tổ 17, phường 14, quận Gò Vấp, TP.HCM) là một hòa giải viên giỏi tại cơ sở, căn nhà nhỏ của bà cũng là địa chỉ tạm lánh an toàn cho những phụ nữ bị bạo hành. Bà cũng từng là nạn nhân của bạo hành gia đình, trên thân thể còn nhiều vết tích.
Bà nói: “Tôi có kiến nghị đặc biệt là phải nghiêm trị người gây ra bạo lực gia đình. Không nên phạt hành chính các ông chồng vũ phu, bởi phạt hành chính thì chúng tôi cũng phải móc tiền túi ra đóng cho mấy ổng về. Có thể bắt mấy ổng đi lao động công ích hoặc có biện pháp nào đó răn đe phù hợp”.
Bà Thủy cũng đề nghị TP xây dựng nhiều địa chỉ tư vấn tâm lý cho phụ nữ bị bạo hành, giới thiệu việc làm giúp họ khẳng định giá trị của bản thân.
Phát biểu tại hội thảo xây dựng chương trình can thiệp “Thành phố an toàn với phụ nữ và trẻ em gái” mới đây, bà Nguyễn Thị Thu (Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và Bình đẳng giới) nói: “Bạo lực là một hiện tượng xã hội, nó không còn là chuyện riêng tư của gia đình hoặc cá nhân. Các văn bản pháp luật liên quan đến bình đẳng giới chưa thực sự đi vào cuộc sống, chưa có nhiều thay đổi và chuyển biến tích cực”.
Được biết trong Chiến lược - Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, TP.HCM đã đề ra các giải pháp đảm bảo thực hiện bảy mục tiêu, 26 chỉ tiêu về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ, trẻ em gái. “Trong đó, TP đặc biệt chú trọng công tác truyền thông nhằm thay đổi căn bản và sâu sắc nhận thức về giới, thực hiện bình đẳng giới là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng gia đình” - bà Nguyễn Thị Thu nói.
Hơn một nửa phụ nữ bị bạo hành Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, hơn một nửa phụ nữ Việt Nam đã phải trải qua ít nhất một hình thức bạo lực trong gia đình; 83,8% số vụ ly hôn có nguyên nhân từ bạo lực gia đình. Tại TP.HCM, gần 80% vụ bạo lực gia đình xảy ra với phụ nữ, 16% là bạo lực với trẻ em. Năm 2011-2016, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp của TP đã hỗ trợ tư vấn, hòa giải hơn 4.000 trường hợp bị bạo lực gia đình. |