Bạo hành gia đình: Vợ chồng gây lộn báo công an làm chi

Ông Nguyễn Minh Nữa, tư vấn viên phụ trách một “địa chỉ tin cậy” cộng đồng thuộc xã Long Định, huyện Bình Đại, Bến Tre, cho biết tại địa phương có một cặp vợ chồng ở với nhau mấy chục năm yên ấm, bỗng dưng gần đây xảy ra lục đục miết. Nhiều hôm ông chồng cầm cây rượt vợ chạy vòng vòng khiến hàng xóm nhộn nhạo, rất phiền.

Tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức tại TP.HCM ngày 3-8, ông Nguyễn Minh Nữa bày tỏ: “Địa phương giao cho tổ tư vấn của tôi phải giải quyết êm ca này. Các cặp vợ chồng xưa nay không có chuyện gì mà bỗng dưng lục đục dễ xảy ra lớn chuyện”.

Trẻ yêu thương, già cầm cây rượt vợ

Ông Nguyễn Minh Nữa đã mời ông chồng tên L. (55 tuổi) đến nhà mình uống trà trò chuyện. Sau khi khéo léo gợi mở, ông L. mới tâm sự với ông Nữa: “Con vợ tôi bây giờ nó trái tính, nó không cho tôi… gần gũi nữa”. Với sức vóc của một nông dân khỏe mạnh, ông L. vẫn còn sung mãn. Trong khi đó người vợ ngang tuổi hay lảng tránh chuyện chăn gối, thậm chí nhiều lần lạnh nhạt, khó chịu. Ông L. đâm ra buồn bực, cô đơn. Những việc nhỏ nhặt hằng ngày cũng dễ bùng nổ thành mâu thuẫn lớn.

Vợ ông Nữa đi gặp bà H., vợ ông L., tỉ tê tâm sự tìm hiểu căn nguyên. Bà H. buồn bã tâm sự: “Tôi đã triệt sản rồi, từ hồi cắt buồng trứng thì quan hệ rất khó khăn. Ổng cũng có tuổi rồi mà còn ham hố. Tôi không cho thì ổng kiếm chuyện rồi quậy vậy đó”.

Ông Nguyễn Minh Nữa: “Kinh nghiệm của tôi là phải tháo gỡ cái gốc là nguyên nhân dẫn tới bạo lực”. Ảnh: HỒNG MINH

Sau khi hiểu được câu chuyện, ông Nữa thấy… thương cặp vợ chồng này quá chừng. Ông lên mạng tìm đọc các lời khuyên của bác sĩ dành cho các cặp vợ chồng già trục trặc chăn gối. Sau đó ông gửi mua một “vật dụng hỗ trợ” từ nhà thuốc lớn trên tỉnh rồi ngoắc ông L. ra tư vấn cách sử dụng. Từ đó nhà ông L., bà H. êm hẳn.

Ông Nữa chia sẻ kinh nghiệm của mình: “Người già cũng có những vấn đề của họ. Kinh nghiệm của tôi là phải tháo gỡ cái gốc là nguyên nhân dẫn tới bạo lực. Bạo lực có nguyên nhân từ tình dục không phải là vấn đề của riêng các gia đình trẻ”. Cả hội trường vỗ tay khen ngợi khi ông Nữa dứt lời.

Muốn dập lửa phải có nước

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, chị Trần Thị Thu Huyền, Trưởng ban Chính sách-Pháp luật Hội LHPN TP Đà Nẵng, cho biết chị đã tiếp nhận lá đơn của một chị tên T. bị chồng thường xuyên bạo hành. Chị T. cho biết trước khi “đội đơn” lên hội phụ nữ TP, chị đã gửi đơn cho ủy ban phường và công an phường nhưng họ nói: “Vợ chồng gây lộn báo công an làm chi, vợ chồng có gì đóng cửa bảo nhau”.

Tại TP.HCM, gần 80% vụ bạo lực gia đình xảy ra với phụ nữ, 16% là bạo lực với trẻ em. Năm 2011-2016, hội LHPN các cấp của TP đã hỗ trợ tư vấn, hòa giải hơn 4.000 trường hợp bị bạo lực gia đình.

Chị NGUYỄN THỊ THU THỦY,
Trưởng ban Gia đình Hội LHPN TP.HCM

Hội Phụ nữ TP đã xác minh: Chị T. bị chồng bạo hành khá nghiêm trọng trên cả ba phương diện: thể chất, tinh thần và kinh tế. Chị Trần Thị Thu Huyền đã đến phường để phối hợp can thiệp nhưng lãnh đạo phường gạt ngay: “Địa phương tôi làm gì có trường hợp chồng bạo hành vợ. Chỉ là gây lộn bình thường”. Chị Huyền đã kiên quyết đề nghị xác minh lần nữa. Kết quả, người chồng đã bị mời lên làm việc và bị phạt hành chính. Sau đó anh này viết cam kết không đánh vợ nữa. Công an khu vực và hội phụ nữ thỉnh thoảng ghé đến nhà chị T. thăm hỏi, nhắc nhở. Chị T. bày tỏ: “Chồng tôi từ hồi làm việc với công an về đã thay đổi, không còn đánh đập tôi nữa. Trước đây công an phường cũng làm dữ như vậy thì đỡ cho tôi quá”.

Chị Trần Thị Thu Huyền chia sẻ: “Kinh nghiệm của tôi là nếu các xã, phường vào cuộc quyết liệt thì các vụ bạo hành sẽ giảm nhiều. Thực tế nhiều địa phương sợ mất thi đua hoặc họ nghĩ rằng vợ chồng gây lộn đánh nhau là bình thường nên không can thiệp. Phải thay đổi điều này”.

Chỗ trú ẩn của các phụ nữ bị bạo hành

Các chị làm trong hội phụ nữ các địa phương cho biết bạo lực gia đình không chỉ đến từ các ông chồng mà còn có thể đến từ các thành viên khác.

Theo đại diện Hội Phụ nữ xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, năm năm qua xã đã xây dựng “địa chỉ tin cậy” và truyền thông đến hầu hết các gia đình về các luật liên quan đến bạo lực gia đình. Vừa qua, chị LTL (thôn Cao Thành) bị mẹ chồng té nước sôi vào người. “Địa chỉ tin cậy” đã kịp thời đưa chị đi bệnh viện điều trị, quyên góp chị em tiểu thương giúp đỡ chị. Đồng thời “địa chỉ tin cậy” đã đề nghị công an xử lý vụ việc. Công an xã đến nhà lập biên bản, chị LTL được theo dõi, giúp đỡ cho đến khi chuyển sang địa phương khác sinh sống.

Theo báo cáo của Hội LHPN Việt Nam, cả nước hiện nay đã xây dựng được gần 31.000 “địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng. Theo đó các “địa chỉ tin cậy” đã phát huy hiệu quả phòng, chống bạo lực gia đình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm