Nhiều bạn đọc gửi ý kiến thắc mắc bị vợ, chồng bạo hành, đánh đập, chửi bới gây tổn hại tinh thần mà không biết phải xử lý ra sao; trong trường hợp này pháp luật xử phạt thế nào?
Theo quy định tại Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 thì các hành vi bạo lực gia đình gồm: Bạo hành thể xác (hành hạ, ngược đãi, đánh đập, cố ý xâm hại đến sức khỏe, tính mạng người khác); bạo hành tình dục (cưỡng ép quan hệ tình dục); bạo hành tinh thần (lăng mạ, cố ý xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây ra những hậu quả nghiêm trọng); bạo hành khác: cưỡng ép thành viên trong gia đình tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện; hủy hoại, đập phá hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;...
Căn cứ Điều 49, 50 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình:
Đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng;
Phạt từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi: Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình; không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị... Đồng thời buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.
Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình; phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh, âm thanh và sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm bị phạt đến 1.500.000 đồng;
Và tùy theo mức độ vi phạm, người có hành vi bạo lực gia đình còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 104 BLHS) hoặc tội hành hạ người khác (Điều 110) hoặc tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình (Điều 151)...
Để tố giác hành vi bạo lực, nạn nhân có thể báo tin cho cơ quan công an cấp xã, UBND xã hoặc trưởng thôn nơi xảy ra hành vi bạo lực để được giúp đỡ.