Theo lịch xét, ngày mai (22-1), TAND tỉnh Bến Tre sẽ mở phiên tòa phúc thẩm xét xử 2 vụ án dân sự tranh chấp hợp đồng lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH) và bồi thường trợ cấp thất nghiệp giữa các nguyên đơn là ông Nguyễn Thành Sang và ông Trần Văn Điền; bị đơn của 2 vụ kiện là Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre).
Trước đó, tại 2 phiên xử sơ thẩm hồi tháng 9-2024, TAND TP Bến Tre (tỉnh Bến Tre) đều tuyên không chấp nhận yêu cầu của các nguyên đơn về việc chấm dứt hợp đồng làm việc với Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, chốt sổ BHXH…
Sau đó, cả hai nguyên đơn đều kháng cáo toàn bộ hai bản án sơ thẩm.
Xin nghỉ việc và sẵn sàng bồi hoàn chi phí đào tạo
Theo hồ sơ, ngày 1-4-2017, ông Sang được bổ nhiệm chức phó trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu. Ngày 30-7-2019, ông Sang được UBND tỉnh Bến Tre cử tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng sau đại học (chuyên khoa 2) ngành truyền nhiễm và các bệnh nhiệt đới tại Đại học Y Dược TP.HCM. Thời gian đào tạo 2 năm.
Bác sĩ duy nhất được cử đi đào tạo nâng cao
Do không được giải quyết yêu cầu thôi việc, cả hai bác sĩ đã đi kiện. Họ đều đề nghị được tự nguyện bồi hoàn kinh phí đào tạo. Bác sĩ Sang chấp nhận bồi thường hơn 86 triệu đồng, bác sĩ Điền chấp nhận bồi thường 142 triệu đồng.
Tòa sơ thẩm nhận định cả hai nguyên đơn đều là bác sĩ duy nhất tại bệnh viện được cử đi đào tạo nâng cao chuyên ngành của họ (Truyền nhiễm và các bệnh nhiệt đới; Nội Thận - Tiết niệu) để đáp ứng việc khám chữa bệnh tại bệnh viện nên thuộc trường hợp “do yêu cầu công tác và chưa bố trí được người thay thế”. Do đó, việc bệnh viện không giải quyết thôi việc cho cả hai bác sĩ là phù hợp quy định.
Bác sĩ Sang có cam kết sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo, ông sẽ trở lại làm việc tại bệnh viện; hoặc theo sự điều động, bố trí của cơ quan, lãnh đạo cấp trên; thời gian phục vụ gấp 2 lần thời gian đào tạo, bồi dưỡng.
Sau khi hoàn thành khóa học, ngày 1-4-2022, ông Sang tiếp tục làm việc tại khoa Nhiễm. Đến ngày 27-6-2022, ông Sang bị điều động từ phó trưởng khoa Truyền nhiễm sang hỗ trợ chuyên môn tại khoa Chẩn đoán hình ảnh. Đến ngày 12-12-2022, ông Sang được cử về tham gia công tác chuyên môn tại khoa Nhiễm.
Tuy nhiên chưa đầy 2 tháng, ông Sang tiếp tục bị điều động qua hỗ trợ chuyên môn tại khoa Chẩn đoán hình ảnh.
Do được cử đi đào tạo sau đại học ngành Truyền nhiễm và các bệnh nhiệt đới nhưng lại bị phân công công việc không đúng chuyên môn, nên đầu năm 2023 ông Sang nộp đơn xin thôi việc. Từ tháng 2 đến tháng 3-2023, ông Sang hai lần gửi đơn xin thôi việc và đề nghị được bồi hoàn chi phí đào tạo theo quy định.
Tuy nhiên cả hai lần Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu đều thông báo không giải quyết cho ông Sang thôi việc. Ngày 10-5-2023, ông Sang tự nghỉ việc tại bệnh viện cho đến nay.
Nguyên đơn trong vụ kiện thứ hai là ông Trần Văn Điền. Ngày 29-10-2020, ông Điền được bổ nhiệm trưởng khoa Nội A Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu.
Ngày 30-11-2020, ông Điền được UBND tỉnh Bến Tre ra quyết định cử tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng sau đại học (chuyên khoa 2), ngành Nội Thận - Tiết niệu, thời gian đào tạo 2 năm.
Trước khi được cử đi học, bác sĩ Điền cũng có cam kết như cam kết của bác sĩ Sang…
Sau khi hoàn thành khóa học, ngày 15-12-2022, ông Điền trở lại làm việc tại khoa Nội A của bệnh viện. Ngày 28-4-2023, ông Điền có đơn xin thôi việc với lý do “hoàn cảnh gia đình khó khăn” nhưng bệnh viện không giải quyết. Từ ngày 1-8-2023, ông Điền đã nghỉ việc cho đến nay.
Do không được giải quyết yêu cầu thôi việc, cả hai bác sĩ đã đi kiện. Họ đều đề nghị được tự nguyện bồi hoàn kinh phí đào tạo. Bác sĩ Sang chấp nhận bồi thường hơn 86 triệu đồng, bác sĩ Điền chấp nhận bồi thường 142 triệu đồng…
Chưa giải quyết cho thôi việc do chưa bố trí được người thay thế
Về phía bị đơn, Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu nêu: Sau khi nhận đơn xin thôi việc của bác sĩ Sang và bác sĩ Điền, bệnh viện nhiều lần đưa ra giải pháp hỗ trợ, động viên hai bác sĩ này trở lại làm việc. Tuy nhiên cả hai đều kiên quyết xin thôi việc. Dù chưa được giải quyết theo nguyện vọng nhưng cả hai tự ý bỏ việc, rời vị trí công tác, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của bệnh viện.
Hơn nữa, cả hai bác sĩ đều chưa làm việc đủ thời gian cam kết sau khoá đào tạo; đồng thời bệnh viện cũng chưa bố trí được người thay thế; do đó trường hợp của hai bác sĩ Sang và Điền thuộc trường hợp chưa được giải quyết thôi việc theo quy định.
Xét xử sơ thẩm cả hai vụ án, TAND TP Bến Tre (cùng một HĐXX) cùng nhận định, theo bản cam kết của các nguyên đơn, sau khi hoàn thành khóa học sẽ phục vụ tại bệnh viện với thời gian gấp 2 lần thời gian đào tạo.
Theo đó, bác sĩ Sang và bác sĩ Điền được đào tạo 2 năm tức 2 vị bác sĩ này có nghĩa vụ phục vụ tại bệnh viện 4 năm kể từ ngày hoàn thành khóa đào tạo. Tuy nhiên sau khi hoàn thành khóa đào tạo, cả hai bác sĩ này chưa làm việc đủ thời gian cam kết với bệnh viện thì đã xin thôi việc.
Trong đó, bác sĩ Sang là phó trưởng khoa Nhiễm được cử đi đào tạo chuyên khoa II chuyên ngành Truyền nhiễm và các bệnh nhiệt đới. Ông Sang là bác sĩ duy nhất tại bệnh viện được cử đi đào tạo chuyên ngành này để đáp ứng việc khám chữa bệnh tại bệnh viện nên thuộc trường hợp “do yêu cầu công tác và chưa bố trí được người thay thế”.
Ngoài ra, bác sĩ Điền là trưởng khoa nội A, được cử đi đào tạo chuyên khoa 2 chuyên ngành Nội Thận - Tiết niệu. Ông Điền là bác sĩ duy nhất tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu được cử đi đào tạo chuyên ngành này để đáp ứng việc khám, chữa bệnh tại bệnh viện nên thuộc trường hợp “do yêu cầu công tác và chưa bố trí được người thay thế”.
Do đó, việc bệnh viện không giải quyết yêu cầu thôi việc của các nguyên đơn là phù hợp quy định.