Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình (theo định nghĩa của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình).
Thống kê của TAND Tối cao cho thấy trung bình một năm trên cả nước có tới 8.000 vụ ly hôn mà nguyên nhân do bạo lực gia đình. Thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy 58% phụ nữ từng kết hôn đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực với bạn tình của họ trong cuộc đời.
Theo Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nguyên nhân sâu xa của bạo lực gia đình là do tư tưởng bất bình đẳng giới, lối xử sự gia trưởng từng tồn tại dai dẳng ở nước ta. Nhìn nhận này đã góp phần thúc đẩy sự cần thiết ra đời của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007. Luật có đầy đủ các chế tài đối với người bạo hành như xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự, cấm tiếp xúc nạn nhân hoặc các biện pháp hỗ trợ nạn nhân như đưa vào nhà tạm lánh, được tư vấn tâm lý…Tuy nhiên, thực tế rất hiếm khi một nạn nhân bạo hành được bảo vệ kịp thời. Nguyên nhân do đâu?
Trước tiên là do nhận thức của người dân và cán bộ còn xem đây là chuyện của mỗi gia đình, không phải chuyện của xã hội.
Sau một năm thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Mạng lưới phòng, chống bạo lực gia đình (thuộc Bộ VH-TT&DL) đã từng thực hiện một nghiên cứu tại năm tỉnh: Yên Bái, Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu và Hưng Yên để đánh giá kết quả thực hiện luật này. Kết quả cho thấy nhận thức của người dân và cán bộ còn hạn chế. Nhiều người coi những hành vi như lấy que đánh, tát, đấm, chửi bới khi không đẻ được con trai; chửi mắng, dọa dẫm khi không được quan hệ tình dục... chỉ là mâu thuẫn trong gia đình. Còn đã gọi là bạo lực thì phải là những vụ việc nghiêm trọng, có can thiệp của y tế.
Một vị phó chủ tịch xã tham gia nghiên cứu cho rằng: “Vợ chồng có nhiều khi xô xát nhau tí thôi mà chửi nhau hoặc là thậm chí yêu thì tát nhau một cái thôi, có gì đâu!”. Còn theo một cán bộ quản lý khác thì bạo lực gia đình là chuyện riêng của mỗi nhà: “Trong gia đình có những chuyện gì không hay ho thì vợ chồng bảo ban nhau thôi”.
Một điều tra, khảo sát của Vụ Gia đình (Bộ VH-TT&DL) mới đây ghi nhận khoảng 1/3 gia đình xảy ra bạo lực không biết phải làm gì và khoảng 25% gia đình cho rằng bạo lực gia đình là việc riêng của hàng xóm, không nên can dự vì sợ phiền hà. Chính những nhận thức này đã tiếp tay cho bạo lực gia đình còn đất sống.
Bên cạnh đó, mức phạt trong lĩnh vực này còn quá nhẹ. Theo Nghị định 167/2013, mức phạt cao nhất là 2 triệu đồng cho hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình chưa đến mức xử lý hình sự. Mức phạt cho hành vi bạo lực về kinh tế còn nhẹ hơn: Phạt tiền từ 300.000 đến 500.000 đồng đối với hành vi không cho thành viên gia đình sử dụng tài sản chung vào mục đích chính đáng…
Hành vi bạo lực tinh thần thì mức phạt còn nhẹ hơn nữa: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi: cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh; không cho thành viên gia đình thực hiện quyền làm việc; tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp, lành mạnh…
Trong khi đó, bạo lực gia đình ở đô thị hầu hết là bạo lực tinh thần vì trình độ dân trí cao, tính sĩ diện, không muốn “vạch áo cho người xem lưng” để mong giữ gìn các mối quan hệ xã hội khác… Muôn hình vạn trạng những kiểu bạo hành tinh thần được các trung tâm tư vấn hôn nhân gia đình ở đô thị ghi nhận mà luật không thể chỉ mặt đặt tên. Chẳng hạn nghi vợ ngoại tình, chồng treo tranh của vợ và “tình nhân” trong phòng ngủ của vợ chồng. Chồng không nói với vợ một câu nào, coi vợ như người vô hình. Chồng không có thói quen lặp lại ý đã nói lần thứ hai, vợ lỡ nghe không kịp mà làm sai thì sẽ chịu tra tấn bằng những ngôn từ nhức thấu xương của giới trí thức.
Hậu quả nghiêm trọng lâu dài là việc bạo lực gia đình sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách và hình thành xu hướng sử dụng bạo lực trong các thế hệ kế tiếp trong gia đình.
Bạo lực gia đình là vấn nạn cần được cơ quan chức năng, ban ngành... nhìn nhận nghiêm túc hơn để mạnh tay xử lý. Bên cạnh đó, luật pháp cũng cần có chế tài nặng hơn với người vi phạm. Ngoài ra các nạn nhân cũng phải dũng cảm tự cứu mình, tìm cách thoát ra khỏi những trận bạo hành.