Phải nhìn thẳng vào sự thật để đổi mới

Hàng loạt vấn đề liên quan đến vấn đề đổi mới tư duy và phát triển nền kinh tế thị trường đúng nghĩa từ thực tiễn 30 năm đổi mới đã được nhiều chuyên gia mổ xẻ, góp ý tại hội thảo Đổi mới để phát triển đất nước, do Hội Khoa học kinh tế và quản lý TP.HCM phối hợp với Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tổ chức sáng 30-7.

Đổi mới tư duy chính trị để mở đường

GS Trần Đình Bút, nguyên thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, đánh giá sau 30 năm đổi mới, nước ta vẫn là một nền kinh tế chưa phát triển và còn lạc hậu so với thế giới. Ông cho rằng tuy từng giai đoạn có những bước tăng trưởng nhanh và ngoạn mục nhưng phương thức sản xuất vẫn là nền sản xuất nhỏ, sản xuất thủ công là chính, sản xuất manh mún và tự phát, vắt kiệt sức lao động của nông dân để đổi lấy hạt gạo, hạt cà phê, hồ tiêu để xuất khẩu.

Theo GS Trần Đình Bút (ngồi giữa), cần quyết tâm đổi mới tư duy chính trị để mở đường cho phát triển kinh tế. Ảnh: TÁ LÂM

Vì sao sau 30 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa vượt lên? GS Trần Đình Bút đưa ra năm nguyên nhân, trong đó nhấn mạnh chúng ta thiếu quyết tâm đổi mới tư duy chính trị. “Chúng ta đổi mới nửa vời, mặc dù là kinh tế thị trường nhưng thiếu bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, luôn luôn kiên trì doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo nên đã triệt tiêu tác dụng kích thích phát triển của quy luật cạnh tranh, quy luật kinh tế cơ bản của thị trường” - GS Bút lý giải. GS Bút cũng cho rằng các yếu tố tác động từ các nhóm lợi ích cũng là một trong các nguyên nhân khiến cho nền kinh tế trì trệ.

Vì thế, GS Bút đưa ra nhiều giải pháp cơ bản và cấp thiết để đưa nền kinh tế phát triển, trong đó có việc cần tạo bước đột phá về tư duy chính trị ngay trong quá trình chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 12 sắp tới, ông nhấn mạnh đến vấn đề lựa chọn cán bộ theo hướng tránh hiện tượng “sống lâu lên lão làng”, cần coi trọng những con người dám nghĩ dám làm, dám đổi mới. “Có như thế mới hy vọng có phát triển mới, thoát được sức ỳ như hiện nay” - GS Bút nói.

GS Bút cho rằng: “Nếu không có quyết tâm đổi mới tư duy chính trị để mở đường cho phát triển kinh tế thì khó thoát cái bẫy một nước thu nhập trung bình thấp đang bày ra trước mắt. Bài học chuẩn bị để thành công của Đại hội VI vô cùng quý giá khi chuẩn bị cho Đại hội XII sắp tới, đó là dám nhìn thẳng vào sự thật và đủ dũng khí, thành tâm lắng nghe nguyện vọng đổi mới từ lòng dân để chuyển hóa thành ý Đảng. Theo tôi, đó là bí quyết của mọi thành công” - GS  Bút nói.

“Quả đấm thép” phải tạo ra sức mạnh thật

Chuyên viên cao cấp Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng Bộ Nội vụ, cho rằng tập đoàn kinh tế nhà nước được kỳ vọng như “quả đấm thép” đủ sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế, thực hiện mục tiêu đảm bảo vai trò chủ đạo của nền kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa…. Tuy nhiên, quá trình hoạt động cho thấy sự kém hiệu quả và nhiều bất cập. Hầu hết những tổng công ty lớn của Nhà nước (trừ những ngành có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên hay độc quyền tự nhiên) đều có vấn đề và là gánh nặng cho nền kinh tế. Ông Sơn tính toán chỉ riêng tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang gánh khoản nợ phải trả lên gần 1,35 triệu tỉ đồng (tương đương 50% GDP), trong đó nợ ngân hàng của riêng các “ông lớn” này chiếm 1/3 tổng dư nợ của cả nền kinh tế.

Theo ông Sơn, vì chưa có quy chuẩn về quản lý giám sát đối với tập đoàn khiến nhiều tập đoàn, tổng công ty đi vay hoặc chiếm dụng vốn quá lớn so với vốn sở hữu dẫn đến năng lực tài chính quá kém. Chuyên gia Diệp Văn Sơn khuyến nghị cần nhanh chóng tái cấu trúc tập đoàn theo hướng xây dựng quy chế quản lý chặt chẽ, kiểm tra, giám sát đối với người đại diện vốn của tập đoàn tại các công ty.

TS-LS Nguyễn Đăng Liêm, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định, cũng đề nghị cần đẩy mạnh cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước, các tổng công ty và tập đoàn nhà nước để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh đúng hướng chiến lược của nền kinh tế và đảm bảo hiệu quả. Áp dụng nhiều biện pháp để giải quyết dứt điểm các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ kéo dài như cổ phần hóa, cho thuê doanh nghiệp nhà nước, giải thể, chuyển nhượng cho tư nhân hoặc tuyên bố phá sản.

TÁ LÂM

Tạo sự bình đẳng thực sự cho mọi thành phần kinh tế

TS-LS Nguyễn Đăng Liêm, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định, thành viên Hội Luật châu Á và Hội Luật gia TP.HCM, cho rằng từ thực tiễn tồn tại nhiều hạn chế của nền kinh tế thị trường, cần có nỗ lực đổi mới tư duy mạnh mẽ hơn nữa để xây dựng nền kinh tế thị trường thật sự với mọi thành phần kinh tế, mọi doanh nghiệp không phân biệt quốc doanh và tư nhân, ngoài nhà nước được tự do cạnh tranh bình đẳng và công bằng để tạo động lực phát triển.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm