Bên hành lang Quốc hội, sáng 30-5, ĐB Nguyễn Anh Trí (người tham gia tư vấn về chuyên môn sự cố y khoa 7 người chết khi chạy thận tại BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình) chia sẻ: “Đây là một nỗi đau, là sự cố y khoa rất nghiêm trọng và rất đáng phải được rút kinh nghiệm. Tôi xin được chia sẻ với nỗi mất mát của người dân, sự đau đớn của cán bộ y tế BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình”.
ĐBQH Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học, truyền máu Trung ương
Theo ĐB Trí, nguyên nhân vụ việc đang được các cơ quan chức năng làm rõ, còn cá nhân ông nhận định nguyên nhân sự cố do “khả năng bị sốc, liên quan đến cái gì đó, có thể là nước, thuốc mà nhiều người trong lúc chạy thận đều sử dụng chứ không phải là đơn lẻ”.
“Đây là sự cố y khoa gần như lần đầu tiên gặp trong chạy thận nhân tạo ở Việt Nam. Sốc phản vệ thì không ai nói trước được cả, thậm chí tiêm vitamin C, truyền máu cũng có thể bị sốc phản vệ, tử vong. Nhưng sự cố cả 18 người đều bị ảnh hưởng và tử vong tức khắc 6 người, sáng nay thêm 1 người nữa là sự cố rất cần thiết phải rút kinh nghiệm” - ông Trí nói.
Ông Trí cũng cho rằng nên sớm công bố nguyên nhân vụ việc “càng sớm, càng tốt” để người dân, đặc biệt những bệnh nhân đang chạy thận trong cả nước yên tâm điều trị…
“Rất nên sớm công bố nguyên nhân và tôi đã nói điều này với Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình là cần sớm phải công bố bởi bệnh nhân đã tử vong rồi. Tôi cam đoan không có bác sĩ, nhóm bác sĩ nào trong quá trình hành nghề lại mong muốn bệnh nhân tử vong nên cần sớm phải công bố để rút kinh nghiệm, xử lý” - ông Trí nhấn mạnh, đồng thời đề nghị dư luận, cộng đồng hiểu về vấn đề, hết sức bình tĩnh vì cơ quan chức năng đang vào cuộc xử lý.
Ông cho hay ngay sau sự cố xảy ra BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình, ngành y tế tỉnh Hòa Bình, Bộ Y tế rất quan tâm. Từ ngày 29-5, Họ đã làm tất cả mọi việc để cứu sống những người còn lại trong số 18 người, kịp thời mời những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực sốc phản vệ, chống độc tại trung tâm lớn nhất ở BV Bạch Mai, lên đấy để cùng hỗ trợ xử lý.
Cơ bản đang hạn chế tối đa thiệt hại của tai biến y khoa này. “Tôi được biết Bộ Y tế đã vào cuộc, đó là PGS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh và đoàn đã lên. Phó Thủ tướng phụ trách công tác y tế Vũ Đức Đam cũng đã lên Hòa Bình” - ông Trí nói.
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM
Liên quan đến vụ việc, bên hành lang Quốc hội ĐB Phạm Khánh Phong Lan, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho hay: “Tôi có trao đổi với một số bệnh viện, ở đây 18 người cùng bị một lúc là chưa từng xảy ra. Đây là sốc mà rủi ro thì vô lý vì không thể rủi ro cùng lúc từng đó người. Không loại trừ khả năng nước, vệ sinh ống, hệ thống, các hóa chất kháng khuẩn... có vấn đề”.
ĐB Lan phân tích, sốc phản vệ là tình trạng cơ thể phản ứng lại tác nhân từ bên ngoài đưa vào. Thường thường đó là phản ứng cơ thể tự bảo vệ, tuy nhiên đối với một số người trở thành quá sức, nguy hiểm nhất khi tụt huyết áp và một loạt các phản ứng khác và cơ thể quá mức chịu đựng, không cấp cứu kịp thời thì như vậy sẽ dẫn đến tử vong.
Trường hợp sốc phản vệ này tuy đã kiểm soát bằng nhiều cách như với kháng sinh thì phải có thử nghiệm trước, dùng thử, test thử, nếu như tiền sử đã từng phản ứng thì sẽ chống chỉ định không sử dụng lại. Nhưng nó vẫn xảy ra, hay trường hợp thuốc gây mê hồi sức và một số hóa chất độc hại thì khẳng định bao giờ nguy cơ đó cũng tiềm ẩn. Vấn đề ở đây khi 1 tập thể như vậy thì chắc chắn có vấn đề về xử lý hệ thống.