Chiều 11-8, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Ông cho hay tình hình nhiễm HIV tại Việt Nam đã giảm. Số ca nhiễm HIV phát hiện mới và tử vong giảm liên tục từ năm 2008 đến nay. Kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện từ năm 1990 tại TP. HCM, cho đến nay, trên toàn quốc đang báo cáo có 212.000 người đang nhiễm HIV và 103.000 người nhiễm HIV đã tử vong.
Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: HOÀNG HẢI
Theo ông Long, còn những tồn tại, bất cập trong các quy định của Luật phòng, chống HIV/AIDS phải khắc phục kịp thời.
Cụ thể, luật hiện hành quy định chỉ những người trực tiếp chăm sóc điều trị cho người nhiễm HIV được thông báo kết quả xét nghiệm HIV và chưa có quy định cụ thể ai được quyền tiếp cận thông tin người nhiễm HIV. Điều này khiến nhiều người nhiễm HIV đã biết tình trạng HIV nhưng vẫn làm lây nhiễm HIV cho người khác.
Do không tiếp cận được thông tin người nhiễm nên không thể xác định được đối tượng, khu vực lây nhiễm HIV cao để có biện pháp chống HIV/AIDS phù hợp, gây khó khăn trong việc thực hiện các quy định, chính sách bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh...
Từ đó, ông Long cho biết dự thảo luật đề xuất bổ sung nghĩa vụ buộc người nhiễm HIV phải thông báo tình trạng nhiễm HIV của mình cho người có quan hệ tình dục với họ để phòng ngừa lây nhiễm.
“Đây là nội dung cần thiết để góp phần bảo vệ quyền được an toàn của mỗi cá nhân và giảm nguy cơ lây nhiễm HIV từ người nhiễm HIV qua quan hệ tình dục”- ông Long nói.
Dự luật cũng bổ sung đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV; phạm vi và nội dung thông tin của người nhiễm HIV được tiếp cận để đảm bảo giữ bí mật thông tin của người nhiễm HIV…
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng tán thành quy định người nhiễm HIV phải có nghĩa vụ thông tin cho bạn tình việc mình nhiễm HIV. nhưng đề nghị cần quy định rõ phương thức, thời hạn, cách thức thông báo để có căn cứ xác định một người đã thực hiện nghĩa vụ này chứ không nên quy định chung chung.
Theo ông, điều này cũng liên quan tới việc xác định yếu tố cấu thành tội lây truyền HIV cho người khác quy định trong bộ luật Hình sự 2015.
Liên quan đến đối tượng tiếp cận thông tin người nhiễm HIV, ông Tùng đề nghị bổ sung quy định cụ thể về trình tự thủ tục tiếp cận thông tin cũng như mục đích sử dụng và trách nhiệm khi để lộ lọt thông tin.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng lưu ý việc đảm bảo nguyên tắc bảo mật thông tin của người nhiễm HIV, bởi đây là chủ trương nhất quán xưa nay.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS đề nghị bãi bỏ Điều 42 của Luật Phòng, chống HIV/AIDS về “áp dụng pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, xử lý vi phạm hành chính đối với người bị xử lý hình sự, hành chính mà bị bệnh AIDS giai đoạn cuối”. Theo quyền Bộ trưởng Y tế, quy định nói trên không còn phù hợp với thực tế diễn biến bệnh trong điều trị và tiến bộ của kỹ thuật y tế hiện nay. Mặc dù nhiễm HIV được chia làm 4 giai đoạn, trong đó giai đoạn 4 là giai đoạn chuyển sang bệnh AIDS nhưng hiện một người nhiễm HIV có thể chuyển từ giai đoạn 4 về giai đoạn 1, 2, 3 tùy thuộc vào việc điều trị… “Điều này dẫn đến khó xác định được thời điểm tạm đình chỉ điều tra, miễn chấp hành hình phạt hoặc khi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định rồi, đối tượng lại có tiến triển tốt về sức khỏe” - ông Long nói. Mặt khác, các quy định này đều dẫn chiếu thực hiện theo pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự, xử lý vi phạm hành chính nên không cần thiết quy định tại Luật này mà thực hiện theo các Luật có liên quan. |