Mới đây, TAND huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa đã quyết định hoãn phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Ích và bị đơn là ông Nguyễn Thành Cát và bà Nguyễn Thị Mùi.
Lý do hoãn là thiếu đại diện theo pháp luật của UBND huyện Khánh Vĩnh theo quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Điều 34 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Trước ngày 1-7, người bị kiện là chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã ủy quyền cho hai cán bộ Thanh tra Sở TN&MT tham gia phiên xử tại TAND tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: TẤN LỘC
Tòa huyện triệu tập chủ tịch đến tòa
Trước đó, trong phần thủ tục, đại diện VKSND huyện Khánh Vĩnh cho rằng trong vụ án dân sự này tòa án đã thụ lý yêu cầu của bị đơn hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện Khánh Vĩnh đã cấp cho nguyên đơn. Tòa đã xác định chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trong quá trình giải quyết vụ án, chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh có văn bản ủy quyền cho ông Huỳnh Xuân Lộc, cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện, tham gia tố tụng theo Điều 32a Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011).
Cũng theo đại diện VKS, tại thời điểm xét xử sơ thẩm, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 đều đã có hiệu lực nên chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh chỉ được ủy quyền cho phó chủ tịch UBND huyện.
HĐXX đã chấp nhận đề nghị của đại diện VKS.
Tương tự, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng vừa có quyết định vào ngày 5-8 sẽ mở phiên tòa phúc thẩm vụ án hành chính giữa người khởi kiện là ông Huỳnh Trung Duy (ngụ TP Nha Trang, Khánh Hòa) với người bị kiện gồm chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, UBND huyện Cam Lâm và chủ tịch UBND huyện Cam Lâm.
Trong quyết định này, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng ghi rõ người bị kiện tham gia tố tụng phiên tòa là chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, chủ tịch UBND huyện Cam Lâm.
Trước đó, trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, chủ tịch UBND huyện Cam Lâm đều ủy quyền cho cán bộ tham mưu cấp dưới tham gia tố tụng.
Chỉ được ủy quyền cho cấp phó
Qua hai vụ án trên có thể thấy việc tòa án triệu tập trực tiếp chủ tịch UBND các cấp liên quan đến các khiếu kiện hành chính và cả trong tranh chấp dân sự là áp dụng đúng các nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành các đạo luật mới.
Theo đó, đối với các vụ án hành chính, dân sự đã được tòa án thụ lý trước ngày 1-7-2016 nhưng từ ngày 1-7 mới xét xử sơ thẩm thì áp dụng quy định của luật mới. Theo khoản 3 Điều 60 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của luật này.
Theo luật sư (LS) Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Khánh Hòa, đây là quy định hoàn toàn mới nhằm khắc phục những bất cập trong xét xử án hành chính. Thực tiễn thời gian qua cho thấy hầu hết người bị kiện là người đứng đầu trong các cơ quan hành chính nhà nước thường ủy quyền cho cán bộ, công chức cấp dưới như thanh tra, TN&MT, văn phòng…
LS Hà cho rằng những người được ủy quyền lại không có quyền xem xét, giải quyết những việc liên quan đến các quyết định bị kiện. Điều này làm cho việc tổ chức đối thoại giữa các đương sự, việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ, tranh luận tại phiên tòa không hiệu quả, việc giải quyết vụ án kéo dài, không đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong xét xử.
“Thi hành luật mới, nếu chủ tịch UBND các cấp không tham gia phiên tòa thì chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình và cấp phó không được ủy quyền lại cho người khác” - LS Hồng Hà nhấn mạnh.
Quy định mới cần chú ý Khi xem xét hủy quyết định quy định tại khoản 1 điều này (quyết định cá biệt - PV), tòa án phải đưa cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền đã ban hành quyết định tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. (Khoản 3 Điều 34 BLTTDS 2015) Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của luật này. (Trích khoản 3 Điều 60 Luật Tố tụng hành chính 2015) |