Mới đây, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã hủy bản án sơ thẩm phạt Nguyễn Văn Hiệp án tử hình về hai tội giết người, cướp tài sản của TAND tỉnh Bình Dương. Theo tòa, nhân thân của Hiệp chưa được làm rõ, quá trình điều tra, truy tố, xét xử ở cấp sơ thẩm có vi phạm tố tụng, bị cáo cần được đưa đi giám định tâm thần. Ngoài ra, vụ án còn có một vấn đề gây nhiều tranh cãi là việc tách nhập các vụ án liên quan đến Hiệp.
Chuỗi hành vi phạm tội liên tiếp
Theo hồ sơ, sau khi bỏ học từ lớp 11, Hiệp xin làm công nhân ở quê nhà Bình Phước, sau đó là ở Bình Dương. Tháng 5-2013, Hiệp nảy sinh tình cảm với chị T. (đã ly dị chồng). Hai người thuê nhà ở chung, mở quán cà phê tại xã Lai Hưng (Bến Cát, Bình Dương).
Do buôn bán ế ẩm, tiền bạc chi tiêu hạn hẹp nên hai bên thường xuyên cãi vã, gây gổ. Ba tháng sau khi sống chung, giữa Hiệp và chị T. lại cãi nhau. Hiệp chạy xe về Bình Phước uống rượu cùng vài người bạn và nảy sinh ý định giết chị T.
Bị cáo Nguyễn Văn Hiệp tại phiên phúc thẩm. Ảnh: CTV
Rạng sáng 16-8, nhậu xong, Hiệp đi mua hai con dao rồi nhờ bạn chở từ Bình Phước về. Đến quán, thay vì gọi cửa cho chị T. mở, Hiệp đi vòng ra phía sau, leo tường vào bên trong. Thấy chị T. nằm ngủ đắp kín mền, Hiệp dùng hai con dao chuẩn bị sẵn đâm nạn nhân liên tiếp nhiều nhát khiến nạn nhân tử vong. Sau đó Hiệp lấy xe máy của chị T. bỏ trốn.
Trên đường bỏ trốn, Hiệp mang theo hai con dao vừa đâm chị T. chạy đến nhà cha dượng ở xã Đồng Nơ, Hớn Quản (Bình Phước, cách nơi gây án ở Bình Dương khoảng 40 km). Tại đây, Hiệp tiếp tục đâm người cha dượng và người em cùng mẹ khác cha với mình. Khi dao bị gãy, Hiệp xuống bếp lấy búa tiếp tục chém vào đầu cha dượng khiến nạn nhân gục xuống đất.
Sau đó, Hiệp chạy bộ đến nhà hàng xóm ở cách đó khoảng 1 km, dùng búa chém người này nhiều nhát rồi cướp xe máy của nạn nhân. Hiệp chạy xe đến trụ sở Công an xã Minh Hưng, Chơn Thành (Bình Phước) đập phá cửa kính phòng làm việc cùng ba xe máy của lực lượng dân quân xã. Tại đây, Hiệp đã bị lực lượng Công an xã Minh Hưng bắt giữ, chuyển giao cho Công an tỉnh Bình Dương.
Một điều may mắn là ba nạn nhân bị Hiệp chém sau này (cha dượng, em cùng mẹ khác cha, người hàng xóm) đều được đưa đi cấp cứu kịp thời nên thoát chết.
Chỉ xử án theo địa giới hành chính
Sau khi tiếp nhận Hiệp, CQĐT và VKSND tỉnh Bình Dương đã chỉ khởi tố, truy tố Hiệp về hai hành vi giết người, cướp tài sản đối với chị T., không đả động gì tới các hành vi phạm tội liên tiếp của Hiệp diễn ra ngay sau đó trên địa bàn tỉnh Bình Phước là chém cha dượng và người em cùng mẹ khác cha, chém người hàng xóm, cướp xe máy của người này, đập phá cửa kính phòng làm việc và ba xe máy ở Công an xã Minh Hưng.
Khi xử sơ thẩm, TAND tỉnh Bình Dương đã phạt Hiệp mức án chung là tử hình về hai tội danh trên. Trong bản án, tòa cũng không đề cập gì đến các hành vi phạm tội của Hiệp tại tỉnh Bình Phước mà chỉ nhận định rằng việc bị cáo thực hiện chuỗi hành vi trên là mất tính người, không còn khả năng giáo dục, cải tạo nên cần cách ly bị cáo vĩnh viễn khỏi xã hội nhằm răn đe và phòng ngừa chung.
Phải giải quyết trong cùng vụ án
Tại phiên xử phúc thẩm, đại diện Viện Phúc thẩm 3 VKSND Tối cao khẳng định việc các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Dương không nhập các hành vi phạm tội liên tiếp sau đó của bị cáo để giải quyết luôn mà tách ra để điều tra, xử lý sau theo thẩm quyền địa giới là vi phạm Điều 117 BLTTHS. Bởi lẽ nếu chỉ giải quyết riêng hai hành vi giết chị T., cướp xe máy của chị T. thì sẽ không đánh giá được hết, không nhìn nhận được toàn diện tính chất, mức độ nguy hiểm của các hành vi phạm tội của Hiệp để từ đó có phán quyết phù hợp.
Quan điểm này được Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đồng tình. Cộng với một số vấn đề chưa rõ khác, tòa phúc thẩm đã hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại từ đầu như đã nói.
Về mặt pháp lý, nhiều chuyên gia cũng đồng tình với quan điểm trên.
Kiểm sát viên Lê Anh Minh (Phó Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án sơ thẩm hình sự về TTXH VKSND TP.HCM) phân tích: Theo khoản 2 Điều 117 BLTTHS, CQĐT chỉ được tách vụ án trong những trường hợp thật cần thiết khi không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả tội phạm và nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án. Ở đây, vụ việc trên chưa phải là trường hợp thật cần thiết để buộc phải tách vụ án. Có thể những mâu thuẫn giữa các bên đã có từ trước rồi bột phát cùng lúc nên Hiệp đã thực hiện các hành vi phạm tội có tính liên tục, xuyên suốt. Hơn nữa, nói là hai tỉnh khác nhau nhưng lại giáp nhau, không thể nói rằng vì cản trở vị trí địa lý nên buộc phải tách. Như vậy nếu điều tra, truy tố, xét xử chung các hành vi phạm tội trong cùng vụ án thì sẽ đánh giá được toàn diện hơn.
Kiểm sát viên Nguyễn Bé Tư (Phó Viện trưởng VKSND quận Bình Thạnh, TP.HCM) cũng cho rằng trong trường hợp bị cáo thực hiện một chuỗi hành vi phạm tội liên tục, nối tiếp nhau thì các cơ quan tố tụng giải quyết chung trong cùng một vụ án sẽ hợp lý hơn.
PHAN THƯƠNG
Không được trái quy định Thông thường trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tố tụng sẽ nhập vụ án hình sự khi phát sinh cùng một loại tội phạm ở các địa bàn khác nhau, còn nếu khác tội thì tách riêng cho dễ xử lý. Tùy vụ án, tùy điều kiện khách quan mà cơ quan tố tụng tách hay nhập nhưng trên nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo và không trái với quy định của pháp luật. Còn chuyện tách hay nhập tốt hơn thì thuộc quan điểm của từng cơ quan tố tụng và qua trao đổi nghiệp vụ, các cơ quan tố tụng sẽ thống nhất hướng xử lý. Một lãnh đạo Công an quận Tân Bình |