Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 6-3 có đăng tải bài viết "Hạnh Thông Tây với kiến trúc cực hiếm". Ngay sau đó, chúng tôi đã nhận được ý kiến của KTS Vũ Quang Duy đặt vấn đề gợi mở quanh kiến trúc của nhà thờ này.
Đáp lại những thắc mắc của KTS Vũ Quang Duy, tác giả Phạm Trường Giang đã gửi đến PLO bài viết phúc đáp. Để làm rõ thông tin, chúng tôi xin đăng tải bài viết này:
Trước tiên xin cảm ơn KTS Vũ Quang Duy đã có một bài góp ý khá dài và chi tiết, chứng tỏ sự quan tâm đến bài báo cũng như các kiến trúc của nhà thờ Hạnh Thông Tây.
Cũng cần phải nói rằng, tư liệu về nhà thờ Hạnh Thông Tây không có nhiều, việc chúng tôi đánh giá nhà thờ Hạnh Thông Tây là kiến trúc Byzantine dựa vào các yếu tố được ghi trong Giáo trình Lịch sử kiến trúc thế giới ( NXB Xây dựng xuất bản năm 2006 do KTS Đặng Thái Hoàng chủ biên), chúng tôi xin phép trích dẫn nguyên bản nội dung:
Những đặc điểm kiến trúc Byzantine
- Mặt bằng có các loại sau: Basilica, Chữ thập, Tập trung, Đa giác.
- Nghệ thuật Mozaich nổi tiếng trong nội thất.
- Lối vào chính từ phía Tây, bàn thờ luôn ở phía Đông.
- Kiến trúc là tường gạch chính hoặc gạch xây xen kẽ đá.
- Phía bên ngoài ít trang trí và thường để thô mộc.
- Vòm buồm là một đặc điểm quan trọng nhất.
Sau khi xem xét các yếu tố này, chúng tôi nhận thấy trong 6 yếu tố trên, chỉ có yếu tố thứ 3 là chưa đảm bảo. Nhà thờ Hạnh Thông Tây có bàn thờ hướng về Đông Bắc và cửa vào chính hướng về Tây Nam, có lệch so với yêu cầu, nguyên do vì được xây hướng cửa chính vuông góc với đường Quang Trung. Nhưng yếu tố này hoàn toàn không quan trọng, vì nhà thờ hướng về Jerusalem là do bên Công giáo quy định chứ không liên quan gì đến xác định kiến trúc.
Chúng tôi đã có dịp trò truyện với KTS Ngô Viết Thụ khi ông còn sống, ông cho biết công trình Thánh đường bên sông giúp ông đoạt giải Khôi nguyên La Mã năm 1955 là công trình không xây theo hướng như vậy, thậm chí Ban Giám Khảo đã chất vấn ông Ngô Viết Thụ điều này khi chấm giải và vẫn cho ông giải cao nhất.
Tranh Mosaic thực hiện không giống được nhiều với phong cách nguyên bản, điều này có thể thông cảm tay nghề thợ khi thực hiện thể loại nghệ thuật mới mẻ này ở Việt Nam lúc đó.
Cũng theo Giáo trình Lịch sử kiến trúc thế giới, ba công trình tiêu biểu cho phong cách Byzantine là Nhà thờ Hagia Sophia ở Constantinople (Thổ Nhĩ Kỳ) , Nhà thờ Vitale ở Ravenna và nhà thờ Macro ở Venice (Ý), chúng tôi nhận thấy nội thất nhà thờ Hạnh Thông Tây có một số nét hơi giống với Vitale nhưng việc dùng từ “mô phỏng” là chưa chính xác, có thể khiến người đọc hiểu lầm là cố gắng sao chép giống như nhà thờ Vitale trong khi vốn khác nhau như ông đã góp ý.
Riêng câu hỏi: “Nếu quả thực kiến trúc sư xây nhà thờ Hạnh Thông Tây đã đem vào đó các yếu tố Byzantine, đây sẽ là mấu chốt cho nhiều câu hỏi "tại sao". Tại sao họ lại làm vậy, có thông điệp gì? Tại sao người xây có được kiến thức xây dựng phong cách này? Tại sao Byzantine nói chung và phong cách Justinian nói riêng, vốn là tiêu biểu cho nhà thờ Chính Thống giáo (Orthodox Church) ở Đông Âu bao gồm Nga mà lại xuất hiện ở Việt Nam, nơi kiến trúc Công Giáo Tây Âu chiếm trọn ưu thế? Tại sao chỉ có ngôi thánh đường lẻ loi này mang phong cách đó ở Sài Gòn?”có thể nói đây là câu hỏi thú vị vì nó liên quan khá nhiều đến lịch sử kiến trúc nhà thờ Công giáo ở Việt Nam và không dễ gì có câu trả lời sớm trong một vài ngày.
Tến sĩ, KTS Ngô Viết Nam Sơn (con trai KTS Ngô Viết Thụ) vốn quan tâm đến kiến trúc nhà thờ ở Việt Nam nhận xét rằng không nhiều nhà thờ ở Việt Nam giữ được phong cách chính thống như Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, phần nhiều đều bị thay đổi ít nhiều vì những nguyên nhân như người bỏ tiền xây nhà thờ hoặc cha sở có đề nghị điều chỉnh thiết kế bản vẽ lại theo ý riêng, hoặc nhà thờ xây nửa chừng thiếu kinh phí nên tạm ngưng, sau này có kinh phí xây tiếp lúc đó nhà thầu khác hoặc cha sở mới lại có điều chỉnh.
KTS Nam Sơn cũng nhận xét nhà thờ Hạnh Thông Tây có thiết kế nội thất khá thuần, tỉ lệ ít bị thay đổi như nhiều nhà thờ khác… Điều này chúng ta có thể hiểu được là do ông Denis Lê Phát An bỏ số tiền lớn ra xây luôn từ đầu đến cuối nên tránh được sự thay đổi trong quá trình thi công.
KTS Nam Sơn cũng cho rằng việc một KTS có kiến thức về kiến trúc Byzantine tới Sài Gòn thiết kế mẫu nhà thờ theo phong cách khác biệt này là điều hoàn toàn có thể xảy ra và bình thường. Sau đó có thể ông ta tiếp tục thiết kế công trình khác nhưng không phải nhà thờ hoặc về nước thành ra Hạnh Thông Tây có một kiến trúc độc đáo như vậy.
Câu chuyện xảy ra đã gần một thế kỷ trước, để tìm được tư liệu hoặc nhà nghiên cứu nào hiểu rõ sự việc ắt cần có thời gian. Giống như những câu hỏi ông đặt ra, chúng tôi cũng còn những câu hỏi khi tìm hiểu viết bài báo này, chẳng hạn như vì sao thông tin truyền lại chỉ nói tên nhà thầu xây nhà thờ mà không có tên KTS thiết kế trong khi những KTS hay điêu khắc gia thực hiện ngôi mộ cho vợ chồng ông An đều được ghi tên đầy đủ? KTS đó bị thất lạc tên lúc nào? Ngoài nhà thờ Hạnh Thông Tây ra ông ta còn có những công trình kiến trúc nào khác tại Việt Nam? …
Những câu hỏi đó chúng tôi sẽ cố gắng tìm hiểu để đưa vào bài báo khác sau này, nếu ông có được thông tin nào khác thú vị vui lòng cung cấp cho chúng tôi để giúp bạn đọc được hiểu rõ hơn.
Khung cảnh nội thất nhà thờ Hạnh Thông Tây nhìn từ cửa chính
Mái vòm nhìn bên trong nội thất
Một số bức họa Moisac
Tranh Chúa Giê Su bên thập giá