Báo Pháp Luật TP.HCM số ra ra ngày 6-3-2016 đăng tải bài viết "Nhà thờ cổ Sài Gòn - Bài 1: Hạnh Thông Tây với kiến trúc cực hiếm" . Ngày 7-3, từ Seattle (Mỹ), KTS Vũ Quang Duy, nhà nghiên cứu lịch sử kiến trúc, đã gửi bài viết trao đổi cùng tác giả Phạm Trường Giang xung quanh kiến trúc của nhà thờ Hạnh Thông Tây. Để rộng đường dư luận, PLO xin giới thiệu cùng bạn đọc ý kiến này:
Dùng chi tiết cái dome (mái vòm) chính giữa để khẳng định đây là Byzantine, e là hơi thiếu thuyết phục (Santa Maria del Fiore ở Florence có cái dome to khủng khiếp chính giữa nhưng nó đâu phải là Byzantine).
So sánh với St Vitale càng không hợp lý vì Vitale là nhà thờ hình bát giác, với điểm độc đáo là đường đi lại không là đường thẳng như lối nhà thờ La Mã thường thấy mà là một đường tròn, chi tiết này tên là ambulatory. Nhìn qua hình ngoại thất mà bài viết cung cấp thì không thấy nhà thờ Hạnh Thông có vẻ gì là có ambulatory.
Mặt bằng nhà thờ mang hình thập giá (có thể là thập giá Latin hoặc thập giá Hy Lạp với bốn cạnh bằng nhau) lại là chi tiết hết sức đặc trưng của bất kỳ nhà thờ La Mã nào. Các chi tiết ngoại thất cũng không khơi gợi gì về các yếu tố đặc trưng của khu vực Địa Trung Hải và Hắc Hải với giao thoa của Đông Âu, châu Phi, và Tây Á. Nên có thêm nhiều hình ảnh nội thất để đánh giá vì rất có thể nội thất sẽ khác phong cách với ngoại thất.
Về phần các bức khảm mosaic, tác giả khơi gợi khá nhiều tò mò. Nếu quả thực đây là khảm mang phong cách Byzantine thì thật là hiếm quý (Nên có thêm hình ảnh để đánh giá khảm này có phải phong cách Justinian không).
Nói đến đây thì thật là ngứa nghề với chuyên môn là lịch sử kiến trúc. Đế chế Roma từng được điều hành bởi thể chế tetrarch với bốn người cai trị cùng lúc, chia ra hai bên Đông và Tây.
Constantine, một tetrarch ở phần Đông đã thống nhất toàn đế chế khi đem quân sang đánh phía Tây, chiến thắng oanh liệt ở trận chiến cầu Milvian năm 312 và lên ngôi năm 324 sau hàng loạt trận khác. Sau khi lên ngôi với quyền lực độc quyền trong tay, ông quyết định đạo Chúa là đạo chung của toàn đế chế nhằm thống nhất người dân. Ông cũng dời kinh đô đế chế từ Rome qua Byzantium của Hy Lạp vào năm 330 và vì thế những nhà thờ phong cách này mới bắt đầu xuất hiện.
Byzantium đổi tên thành Constantinople, rồi sau khi bị đế chế Hồi giáo Ottoman chiếm đã bị đổi thành Istanbul và thành một phần của Thổ Nhĩ Kỳ tới giờ. Justinian là một hậu duệ của Constantine, người có công lớn trong việc định hình và phát triển phong cách kiến trúc, nghệ thuật và giá trị thẩm mỹ của đế chế Roma theo hướng Byzantine.
Hagia Sophia, một ví dụ điển hình của nhà thờ Byzantine, cũng là do nhân vật này cho xây. Sau khi bị Ottoman chiếm thì nhà thờ này biến thành đền thờ Hồi giáo. Truyền thống Công Giáo Byzantine có lẽ là một trong những giá trị văn hóa lớn nhất bị thất lạc đâu đó trong dòng chảy lịch sử.
Nếu quả thực kiến trúc sư xây nhà thờ Hạnh Thông Tây đã đem vào đó các yếu tố Byzantine, đây sẽ là mấu chốt cho nhiều câu hỏi "tại sao". Tại sao họ lại làm vậy, có thông điệp gì? Tại sao người xây có được kiến thức xây dựng phong cách này? Tại sao Byzantine nói chung và phong cách Justinian nói riêng, vốn là tiêu biểu cho nhà thờ Chính Thống giáo (Orthodox Church) ở Đông Âu bao gồm Nga mà lại xuất hiện ở Việt Nam, nơi kiến trúc Công Giáo Tây Âu chiếm trọn ưu thế? Tại sao chỉ có ngôi thánh đường lẻ loi này mang phong cách đó ở Sài Gòn?
Có lẽ đã đến lúc dân chuyên nghiệp cần nhảy vào thẩm định. Người viết cho dù có nghiên cứu nhưng nếu không đúng chuyên môn thì thật khó chuyển tải. Như việc nói rằng những chi tiết trong nhà thờ Hạnh Thông Tây rất độc đáo mà không chỉ ra được tại sao độc đáo, hay việc liên hệ với truyền thống Byzantine mà không đưa ra được các dẫn chứng thuyết phục.