Phân khúc bất động sản hợp gu nhà đầu tư ngoại

Thị trường bất động sản (BĐS) du lịch, nghỉ dưỡng, thương mại, văn phòng cho thuê đang trải qua một giai đoạn thực sự khó khăn. Trong khi đó, BĐS nhà ở, văn phòng, công nghiệp, logistics tại Việt Nam lại đang thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.

Cơ hội tốt cho người muốn an cư

Nhà đầu tư ngoại quan tâm đến BĐS nhà ở bởi vòng quay vốn nhanh do nhu cầu nhà ở của người dân rất lớn và nguồn cung trên thị trường luôn trong tình trạng khát hàng.

Về triển vọng phân khúc nhà ở thương mại, theo báo cáo thị trường mới nhất của Savills, đến năm 2024, nguồn cung được dự đoán sẽ có khoảng 120.000 căn hộ từ 119 dự án. Số này chủ yếu là các căn hộ hạng B, chiếm tỉ lệ 48%. TP Thủ Đức dẫn đầu với 44% nguồn cung tương lai. Dự kiến trong quý IV sẽ có khoảng 7.000 căn được chào bán ra thị trường. Tuy nhiên, trong đó có đến 90% nguồn cung tương lai đến từ các giai đoạn tiếp theo của dự án hiện hữu.

Một khu nhà xưởng quy mô lớn ở Long An đang được xây dựng.
Ảnh: QUANG HUY

Tính đến hết quý III, nguồn vốn tín dụng BĐS tăng khoảng 6%. Dòng vốn đầu tư nước ngoài - FDI cũng rất tích cực, trong chín tháng đầu năm, nguồn vốn đăng ký mới đạt 1,74 tỉ USD, chiếm 13% tổng vốn đầu tư FDI, đứng thứ hai sau lĩnh vực chế biến, chế tạo. Riêng góp vốn mua cổ phần vào các thương vụ mua bán, sáp nhập BĐS cũng đạt gần 1 tỉ USD, chiếm khoảng 23%.

TS  CẤN VĂN LỰC, chuyên gia kinh tế 

Đối với phân khúc biệt thự, nhà liền kề, nguồn cung tương lai đến năm 2024 dự kiến đạt gần 9.600 căn/nền. TP Thủ Đức chiếm tỉ trọng lớn nhất với 32%, tiếp theo là Bình Chánh với 24% và Bình Tân với 11%.

Đánh giá về những tác động của đại dịch lên phân khúc BĐS nhà ở, TS Sử Ngọc Khương nhận định ở các nước có mật độ dân số cao tại khu vực đô thị như Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam thì khi dịch bệnh diễn ra tốc độ lây truyền rất lớn. Trong khi đó, tại các đô thị lớn ở những nước có quy hoạch TP cách xa nhau, giữa các TP, khu dân cư là rừng hoặc các khu đất trống rộng lớn thì tốc độ lây truyền dịch bệnh rất thấp.

Xét trên bình diện vĩ mô, có thể thấy đại dịch COVID-19 đã đem đến cho các nhà quy hoạch đô thị cơ hội nhìn lại cách phát triển quy hoạch sao cho hiệu quả. Bên cạnh đó, qua đợt dịch bệnh này các nhà hoạch định kinh tế nói chung, nhà phát triển BĐS nói riêng sẽ có cơ hội nhìn lại chiến lược chung dài hạn.

Riêng đối với những nhà phát triển BĐS thì đây là bài học để họ cân nhắc, nhìn lại trong những trường hợp bất khả kháng (thiên tai, dịch bệnh) xảy ra thì sức đề kháng của mình tới đâu. Hơn nữa, phải làm như thế nào để tránh tình trạng kiệt quệ, khó có thể vực dậy được sau biến cố.

Nhận định về giá BĐS trong những tháng cuối năm, TS Khương cho rằng từ nay đến đầu năm 2022 sẽ không có nhiều thay đổi lớn. Do đó, nhà đầu tư muốn thực hiện các giao dịch lướt sóng đẩy giá trong thời gian tới sẽ khó khả thi, nhất là khi Việt Nam chưa hoàn toàn kiểm soát được dịch.

Chia sẻ về việc “hốt” BĐS mùa dịch, anh Nguyễn Huy, một nhà đầu tư lâu năm, cho biết: “Tìm BĐS giảm giá trong mùa dịch không hề dễ dàng. Chỉ những ai phải dùng vốn vay, gặp khó khăn trong kinh doanh mới bán tháo tài sản lúc này, còn những người mua nhà, đất bằng tiền tích lũy thì vẫn chờ đợi cơ hội chốt lời tốt hơn. Lúc này thị trường không giảm nhưng mức tăng không quá mạnh, vì vậy đây là một cơ hội tốt để mua nhà an cư lạc nghiệp”.

Các tập đoàn quốc tế hướng về Việt Nam

Nhận định về tiềm năng của lĩnh vực BĐS công nghiệp, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, chia sẻ trong 10 năm trở lại đây, miền Bắc đã đón nhận những làn sóng đầu tư khá lớn từ các tập đoàn quốc tế như điện tử Samsung, LG hay các nhà sản xuất xe hơi như Honda, gần nhất là Vinfast.

Sự hiện diện của các tập đoàn lớn đồng thời là đòn bẩy cho sự phát triển của thị trường BĐS bán lẻ lân cận. Lý do là nhà cung cấp phụ tùng và nguyên liệu thường có nhu cầu thuê nhà xưởng diện tích 1.000-2.000 m2 gần những nhà sản xuất lớn này.

“Đáng chú ý, Việt Nam đã ghi nhận các dự án BĐS công nghiệp chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của khách thuê doanh nghiệp quốc tế trong lĩnh vực công nghệ cao” - ông Powell nhấn mạnh.

Theo nhận định của ông Powell, trong vòng vài năm tới, thị trường sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của loại hình BĐS công nghiệp, nhất là khi hiện nay các nhà đầu tư quốc tế đang tích cực tìm kiếm mặt bằng, phục vụ cho việc xây dựng và phát triển trung tâm dữ liệu tại Việt Nam. Không chỉ tại Việt Nam, đối với thị trường châu Á - Thái Bình Dương, loại hình này cũng đã phát triển rất mạnh với quy mô vùng, quốc gia, tỉnh hay TP.

Bất động sản văn phòng là điểm nóng

BĐS văn phòng đang là điểm nóng của cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. Savills Việt Nam luôn nhận được nhu cầu tìm hiểu về thị trường văn phòng của các nhà đầu tư nước ngoài như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc… Nhóm này có xu hướng tìm thuê văn phòng tại các quận trung tâm như quận 1, quận 3. Trong khi đó, trên địa bàn TP.HCM chỉ có khoảng 2 triệu m2 sàn và chưa tới 10% trong số đó là văn phòng hạng A ở quận 1, các cao ốc văn phòng hạng B+, B ở quận 1, 3 cũng không còn bao nhiêu.

So với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Singapore có cả chục triệu mét vuông sàn thì số lượng BĐS văn phòng ở TP.HCM như vậy là quá hạn hẹp. Cao ốc văn phòng có giá trị gia tăng trong tương lai rất tốt nên “cơn khát” BĐS văn phòng đã có nhiều năm nay. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm