Trước bục khai báo, Phan Sào Nam vẫn giữ vẻ điềm tĩnh như suốt mấy ngày qua. Phan Sào Nam khai ngoài quan hệ đối tác, bị cáo không có mối quan hệ thân thích nào với “ông trùm” khác của đường dây đánh bạc là Nguyễn Văn Dương (cựu chủ tịch Công ty CNC).
“Trước khi gặp anh Dương, tôi có nghe nói Công ty CNC là công ty “bình phong” của Bộ Công an. Khi gặp trực tiếp trao đổi, anh Dương khẳng định điều đó là đúng” - bị cáo Nam khai tại tòa và cho biết hai người đã trao đổi với nhau nhiều cơ hội hợp tác trong lĩnh vực Internet và công nghệ. Sau đó, cả hai thống nhất cùng nhau triển khai dịch vụ game bài trước.
Nam khai: Hoàng Thành Trung (phó giám đốc Công ty Nam Việt, đang bị truy nã), cũng là đồng nghiệp với bị cáo lâu năm, trao đổi nói đang phát triển phần mềm game bài có chất lượng tốt. Trung muốn phối hợp cùng bị cáo để phát triển dịch vụ này.
“Tôi hiểu ở thời điểm 2014-2015, việc xin cấp phép cho một game bài là khá khó khăn. Sau khi gặp Nguyễn Văn Dương, anh Dương khẳng định việc phát hành anh có thể làm được, vì vậy chúng tôi đi đến thống nhất sẽ triển khai dịch vụ này” - bị cáo Phan Sào Nam nói tại tòa.
Theo thỏa thuận, Công ty Nam Việt cấp bản quyền phần mềm trò chơi cho VTC Online, sau đó VTC Online tiếp tục cấp bản quyền cho CNC để CNC đóng vai trò là nhà phát hành tại thị trường Việt Nam.
Bị cáo Phan Sào Nam (ảnh chụp qua màn hình).
Phan Sào Nam cho biết theo giải thích của bị cáo Dương, công ty “bình phong” có chức năng làm kinh tế nghiệp vụ và trinh sát ngoại tuyến. Khi nghe nội dung đó, bị cáo hiểu dù chưa có giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông nhưng Bộ Công an có thể có một số cơ chế mở để các công ty bình phong có những hoạt động nghiệp vụ đặc biệt mà người ngoài không thể biết được.
“Do có niềm tin như vậy và anh Dương cũng rất tự tin về việc cùng hợp tác để phát hành game này, hai bên ký hợp đồng rất chính thống giữa hai pháp nhân với nhau, có nội dung hợp đồng rõ ràng, khẳng định trách nhiệm của CNC và VTC Online” - Nam nói.
Cũng theo lời khai của bị cáo Nam, quá trình vận hành game cũng có một số sự cố. Ví dụ, PC50 của Hà Nội (Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) đã tới làm việc, gọi một số người bên Nam Việt tới làm việc.
PC87 Hà Nội (Phòng An ninh văn hóa thông tin, truyền thông) cũng tới làm việc với Công ty VTC Online. Có một số thời điểm bên bị cáo Phan Sào Nam hoặc bên Hoàng Thành Trung cũng nhận được yêu cầu truy xuất thông tin để phục vụ công tác điều tra…
Ngay cả Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cử một đoàn thanh tra tới làm việc với Công ty VTC Online vào khoảng tháng 8, tháng 9-2016.
“Những vụ việc đó đều thể hiện rằng các cơ quan chức năng có biết việc hợp tác, phát hành này. Bản thân công ty bị cáo có báo cáo đầy đủ nhưng không có kết luận hay xử lý nào” - Nam cho hay.
“Bị cáo rất tin tưởng ở lời của bị cáo Dương” - Nam nhấn mạnh và cho biết bị cáo Dương luôn khẳng định việc phát hành được sự ủng hộ của lãnh đạo, đang trong quá trình thử nghiệm và hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép chính thức cho game này.
. Luật sư Đỗ Ngọc Quang (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thanh Hóa) hỏi Phan Sào Nam: "Bị cáo đã bao giờ được xem văn bản thể hiện CNC là công ty bình phong của Tổng cục Cảnh sát không?".
+ Bị cáo rất muốn xem nhưng bản thân từ “bình phong” đã hàm chứa ý nghĩa bí mật rồi.
. Có bao giờ anh đặt vấn đề nghi vấn hỏi Đường, sao hơn năm rồi vẫn chưa xin được giấy phép không?
+ Quá trình đó bị cáo và bị cáo Dương nói chuyện rất nhiều. Anh Dương luôn làm bị cáo rất tin tưởng.
Sau đó, luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Dương) cũng đặt câu hỏi với Phan Sào Nam: “Bỏ qua việc CNC là công ty bình phong, trong suy nghĩ của anh, anh có bao giờ nghĩ CNC là đối tác có giá trị? Nếu việc hợp tác được triển khai thuận lợi thì nó có thể giúp cho việc phát triển game online trong điều kiện cạnh tranh rất khốc liệt?”.
+ “Dù luật sư bảo phải bỏ qua vế CNC là công ty nghiệp vụ của Bộ Công an nhưng theo tôi, trong sự hợp tác giữa CNC và VTC Online thì giá trị lớn nhất của CNC nằm ở chỗ đó” - Nam đáp.
. “Trả lời luật sư Quang, bị cáo nói không được cho xem văn bản thể hiện CNC là công ty bình phong của Tổng cục Cảnh sát?” - chủ tọa phiên tòa hỏi tiếp.
+ Nam giải thích: Lúc đó muốn nói không được xem một quyết định cụ thể nào.
. “Vậy bị cáo căn cứ vào đâu để có niềm tin về việc CNC là công ty nghiệp vụ của Bộ Công an?” - chủ tọa truy.
+ “Niềm tin đó được củng cố theo thời gian và thông qua nhiều sự vụ khác nhau. Trước khi ký hợp đồng thì anh Dương nói, và bị cáo biết công ty của anh Dương ở số 10 Hồ Giám, là tòa nhà của Tổng cục Cảnh sát. Khi ký hợp đồng và triển khai công việc, việc không bị các cơ quan nhà nước xử lý càng củng cố niềm tin đó hơn…” - Nam thẳng thắn trả lời.
. "Theo bị cáo, trong vòng hai tháng sau khi vận hành game, PC50 đã phát hiện ra việc này rồi. Nếu nhận được cảnh báo kịp thời, bị cáo tin sẽ không có hậu quả như vụ án hôm nay".
. “Anh Dương không chỉ nói với anh mà nói với cán bộ VTC rằng anh Dương là công an mật, rằng anh ấy cộng tác với công an. Vậy hành vi của anh Dương như thế, đã là mật không được nói với ai nhưng anh Dương lại nói cho tất cả mọi người biết thì theo nhận xét của anh. Có phải anh Dương đã lợi dụng việc này, lợi dụng danh nghĩa cộng tác với công an để nói cho mọi người biết, với mục tiêu để phục vụ cho việc đánh bạc, tổ chức đánh bạc, có phải không?” - luật sư Đỗ Ngọc Quang hỏi.
Trước câu hỏi này, Nam đáp: “Bị cáo không có ý kiến về nội dung này”.