Phan Văn Khải: Nhà lãnh đạo tri thức, bản lĩnh

“Những quyết sách mang tính bản lĩnh, trí tuệ của ông giúp Việt Nam chuyển mình những năm cuối 90 của thế kỷ trước. Ông là người Tri thức - Bản lĩnh”, PGS-TS Võ Đại Lược, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, khi nói về Thủ tướng Phan Văn Khải như trên.
Nhà lãnh đạo rất lắng nghe ý kiến trái chiều
Theo TS Võ Đại Lược, nguyên Thủ tưởng Phan Văn Khải là người được học hành bài bản và thể hiện tri thức sâu về tất cả lĩnh vực, nhất là kinh tế.

Thủ tướng Phan Văn Khải và Ban nghiên cứu của Thủ tướng

“Trước khi làm việc với Thủ tướng Phan Văn Khải, tôi đã từng làm việc với Chủ tịch Hội đồng nhà nước Trường Chinh. Cố thủ tướng Phan Văn Khải có nét ứng xử tương đồng với đồng chí Trường Chinh ở việc lắng nghe và tôn trọng người khác. Thủ tướng, từng đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND TP.HCM, nơi phát triển kinh tế sôi động nhất của Việt Nam. Sau đó, Thủ tướng từng kinh qua chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch nhà nước. Thời gian đảm nhiệm các vai trò đó, Thủ tướng đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tế. Hơn nữa, Thủ tướng là người được đào tạo bài bản ở bậc đại học. Người giỏi, đặt vào công việc phù hợp sẽ càng phát huy cái giỏi của mình” - TS Lược chia sẻ.

Trong ký ức của TS Võ Đại Lược, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người điềm tĩnh, biết lắng nghe và không bao giờ có định kiến với những ý kiến trái chiều.
Theo TS, “Thủ tướng Phan Văn Khải là người bao giờ cũng hỏi ý kiến các chuyên gia và lắng nghe từng ý kiến, kể cả những ý kiến trái chiều. Với những ý kiến trái chiều, ông không định kiến, không phản đối mà chỉ để phân tích nhiều mặt của vấn đề. Điều quan trọng hơn, Thủ tướng nghe, phân tích và lựa chọn được những ý kiến, ý tưởng, giải pháp đúng để thực thi. Tôi đánh giá rất cao bản lĩnh đó của Thủ tướng”.
Những quyết sách đột phá về kinh tế
Nhớ lại chuyến thăm lịch sử của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải sang Mỹ năm 2005, PGS Võ Đại Lược cho rằng đây là thành công trong cuộc đời làm chính trị của Thủ tướng.
“Khi chuẩn bị đi với vai trò Thủ tướng đầu tiên của Việt Nam đến Mỹ, nhóm tư vấn trong Ban nghiên cứu của Thủ tướng và Thủ tướng rất băn khoăn với câu hỏi: Thủ tướng sẽ làm gì ở Mỹ? Trả lời cho câu hỏi này là mục tiêu: Thủ tướng phải ký kết được với Mỹ hiệp định xem Mỹ là đối tác. Việc này đưa ra thuyết phục Bộ Chính trị nhưng không thành. Tuy nhiên, trước khi đi Mỹ, Thủ tướng đã thuyết phục từng vị lãnh đạo trong Bộ Chính trị. Qua phân tích của Thủ tướng, các vị lãnh đạo trong Bộ Chính trị đã đồng ý xem Mỹ là đối tác của Việt Nam” - TS Võ Đại Lược kể.
Ông cũng nêu quan điểm, việc gia nhập tất cả tổ chức thương mại thế giới, việc đặt quan hệ ngoại giao là quyết định của Bộ Chính trị chứ không của riêng cá nhân nào. “Riêng chuyến đi Mỹ, Thủ tướng Phan Văn Khải đã có đóng góp quan trọng trong việc thuyết phục Bộ Chính trị đồng ý xem Mỹ là đối tác của Việt Nam” - TS Lược nhấn mạnh.
Trong những việc nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải thể hiện bản lĩnh lãnh đạo đất nước, có cả câu chuyện khi Thủ tướng nhậm chức năm 1997.
Ngay sau thời điểm nhậm chức, năm 1998, châu Á nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính. Các đồng tiền trong khu vực bị phá giá 40%-80%. Những nền kinh tế mạnh của châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng bị tác động nghiêm trọng.
“Vấn đề đặt ra cho Thủ tướng là ứng phó hay không ứng phó với cuộc khủng hoảng đó? Bởi ngay trong tổ tư vấn đã có những ý kiến trái chiều. Có rất nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vì mối quan hệ của Việt Nam với các nước châu Á không nhiều. Nhưng thực tế, theo các chuyên gia phân tích, đây là cuộc khủng hoảng tác động toàn cầu, không loại trừ một quốc gia nào. Tiền của các nước giảm giá trị 40%-80%, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất - nhập khẩu. Sau rất nhiều các phân tích, Thủ tướng Phan Văn Khải chấp nhận phương án: Việt Nam sẽ bị tác động bởi cuộc khủng hoảng nói trên và đưa ra một loạt các biện pháp ứng phó” - TS Lược kể lại thời điểm lịch sử khó khăn đầu tiên mà nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải phải đối mặt.

Thủ tướng Phan Văn Khải và thành viên trong đoàn tại căn bếp khách sạn Omni Paker House, Boston, nơi ngày xưa Bác Hồ đã làm việc. Ảnh: PHẠM THỤC

Cuối cùng, năm 1998, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt trên 6%. Tác động khủng hoảng tài chính châu Á đã làm nhiều nước điêu đứng nhưng nền kinh tế của Việt Nam không bị thiệt hại nhiều. “Cả nhiệm kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải, kinh tế của Việt Nam luôn tăng trưởng trung bình trên 7%. Đó là số liệu thống kê thực chất” - TS Lược cho hay.

Lắng nghe doanh nghiệp
Một quyết sách nữa ghi dấu ấn của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải chính là việc đối thoại với các doanh nghiệp. Thủ tướng Phan Văn Khải trở thành Thủ tướng đầu tiên của Việt Nam đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp.
Theo PGS Võ Đại Lược, Thủ tướng Phan Văn Khải rất quan tâm đến những vấn đề vướng mắc trong hoạt động doanh nghiệp. Thời của Thủ tướng Phan Văn Khải, những cuộc tiếp xúc của Thủ tướng đã giúp hoàn chỉnh hệ thống Luật Doanh nghiệp hiện giờ.
“Thủ tướng, các bộ trưởng quan trọng, tổ tư vấn ngồi nghe, ghi chép cẩn thận các ý kiến của doanh nghiệp. Thủ tướng không phát biểu gì nhiều ở các cuộc họp mà thường lắng nghe. Sau đó, kết thúc cuộc họp, Thủ tướng chỉ ra những điểm mà Thủ tướng sẽ xem xét và điều chỉnh. Sau đó, Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu thật kỹ các vấn đề để đưa ra giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp” - TS Lược kể.
Trong ban nghiên cứu của Thủ tướng những năm 2000 có rất nhiều cộng tác viên trong nhóm nghiên cứu doanh nghiệp để xử lý các vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp.
“May mắn làm việc với Thủ tướng hơn một nhiệm kỳ và tiếp xúc với Thủ tướng hơn 10 năm, tôi thấy những đóng góp của Thủ tướng cho đất nước mang tính chất đột phá, mới mẻ và thể hiện bản lĩnh của người lãnh đạo đất nước” - PGS Võ Đại Lược tổng kết về những đóng góp của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm