Pháo hoa, pháo hoa nổ và pháo nổ, loại nào được phép sử dụng?

(PLO)- Công an TP Thủ Đức (TP.HCM) chỉ cách phân biệt các loại pháo. Đồng thời, thông tin một số quy định về quản lý và sử dụng pháo để người dân tránh vi phạm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mỗi dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng pháo của người dân đặc biệt cao. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa phân biệt được “pháo hoa” với “pháo nổ” và “pháo hoa nổ”, sự lầm tưởng này có thể sẽ khiến người dân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Vì theo quy định hiện nay, “pháo nổ” và “pháo hoa nổ” không được phép sử dụng.

Trước thực tế này, công an TP Thủ Đức (TP.HCM) đã có khuyến cáo cũng như hướng dẫn người dân một số quy định về quản lý và sử dụng pháo hoa, đặc biệt là cách phân biệt các loại pháo.

IMG_1428.jpeg
Một số quy định về quản lý, sử dụng pháo hoa, cách phân biệt các loại pháo. Ảnh: Công an TP Thủ Đức

Pháo nổ là loại pháo không được phép sử dụng. Loại pháo này chứa thuốc pháo nổ và gây ra tiếng nổ.

Pháo hoa nổ cũng là loại pháo không được phép sử dụng. Loại này chứa thuốc pháo nổ, thuốc phóng, thuốc pháo hoa, gây ra tiếng rít, tiếng nổ, có màu sắc.

Pháo hoa là loại pháo được phép sử dụng. Loại này chứa thuốc pháo hoa, không gây ra tiếng nổ, có âm thanh, ánh sáng, màu sắc.

Tuy nhiên, để sử dụng pháo hoa cần phải đáp ứng các điều kiện như cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Sử dụng trong dịp Lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa văn nghệ; Chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

Với các hành vi sử dụng, mua bán, vận chuyển… pháo không quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Căn cứ Nghị định 144/2021, hành vi trao đổi, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ, pháo hoa nhập lậu hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; Sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép sẽ bị xử phạt từ 5-10 triệu đồng.

Hành vi vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo sẽ bị xử phạt từ 10-20 triệu đồng.

Ngoài ra, theo Nghị định 98/2020, hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, giao nhận pháo nổ trái phép tuỳ theo số lượng sẽ bị xử phạt từ 1-90 triệu đồng.

Bên cạnh đó, theo Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), người vi phạm còn có thể bị xử phạt về Tội gây rối trật tự công cộng, hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù; Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm, hình phạt cao nhất đến 15 năm tù; Tội buôn lậu, hình phạt cao nhất 20 năm tù.

Công an TP Thủ Đức cũng khuyến cáo người dân, khi phát hiện các hành vi vi phạm về quản lý, sử dụng pháo thì báo ngay cho cơ quan công an gần nhất hoặc Trực ban Công an TP Thủ Đức qua số điện thoại 02838.972.025.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm