Họ mong muốn phải sửa luật theo hướng người lao động (NLĐ) được lựa chọn hưởng BHXH một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng BHXH như quy định tại Luật BHXH năm 2006.
Không phải ngẫu nhiên mà hàng vạn công nhân phản đối Điều 60 Luật BHXH năm 2014. Thực tế đời sống NLĐ trong các KCN còn rất khó khăn, tiền lương thực tế còn thấp. Vì vậy họ muốn lấy BHXH một lần để có tiền trang trải cuộc sống trước mắt chứ chưa dám nghĩ đến cuộc sống sau này khi về già.
Ở Việt Nam, hầu hết công nhân làm việc trong KCN đều từ nông thôn mà ra. Nói như bà Nguyễn Thị Hoài Thu - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề của QH thì những công nhân này “đôi chân vẫn còn nước phèn đồng ruộng; họ cần có công việc để làm và duy trì cuộc sống. Họ cũng muốn được bảo đảm quyền lợi cho bản thân. Họ cũng muốn được làm việc ổn định cho đến khi nghỉ hưu”.
Thực tế có không ít ông chủ đầu tư vào Việt Nam là những người “ăn xổi ở thì”, làm ăn theo kiểu chụp giật. Họ chỉ hăng hái một thời gian, kiếm được khoản tiền kha khá rồi cắp valy về nước, bỏ lại hàng ngàn công nhân muốn xoay xở thế nào thì tùy. Còn những người “nhà quê” khi vào làm công nhân cho các ông chủ, họ chấp nhận bị bóc lột nhưng dù sao thì cũng kiếm được một khoản tiền giắt lưng phòng khi bị sa thải hoặc nhà máy đóng cửa thì lại trở về với đồng ruộng.
Đã là NLĐ ai chẳng muốn làm việc lâu dài cho đến khi về hưu. Có lẽ cũng không cần phải tuyên truyền, giải thích nhiều thì NLĐ cũng hiểu được các lợi ích của việc bảo lưu thời gian đóng BHXH, bảo đảm cuộc sống khi về già. Việc họ buộc phải lựa chọn hưởng BHXH một lần cũng là cực chẳng đã.
Ai cũng biết Điều 60 Luật BHXH năm 2014 là tiến bộ, phù hợp với xu hướng phát triển chung và bảo đảm quyền thụ hưởng lâu dài của NLĐ, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội. Nhưng nó lại không phù hợp với điều kiện lao động của hàng vạn công nhân ở ta hiện tại. Đúng như Goethe đã nói: “Mọi lý thuyết đều là màu xám, chỉ cây đời là mãi mãi xanh tươi”. Nếu pháp luật không phù hợp với thực tiễn thì mọi lời hiệu triệu, hô hào chỉ là rỗng tuếch. Pháp luật phải từ cuộc sống chứ không phải từ cái đầu của các nhà làm luật. Làm luật là phải xuất phát từ cuộc sống và phải bảo đảm quyền và lợi ích của NLĐ, chứ cứ bấm nút thông qua để rồi lại phải sửa đổi, bổ sung ngay khi điều luật đó chưa có hiệu lực thi hành thì, nói như một số đại biểu QH, “cũng xấu hổ lắm”!
Tại sao một đạo luật được ban hành, bảo đảm đúng quy trình, được sự đồng thuận của các bộ, ngành, địa phương và của hội đồng thẩm định và lại được QH tổ chức tham vấn, lấy ý kiến của các cơ quan, khi thảo luận không có ý kiến khác, vậy mà khi nó chưa có hiệu lực thi hành thì đã không ổn? Đưa ra một lời xin lỗi cử tri cũng là cần thiết nhưng có lẽ QH cần xem lại quy trình làm luật có gì chưa ổn.
Thủ tướng Chính phủ đã hứa sẽ trình QH cho thay đổi Điều 60 Luật BHXH năm 2014. Tại Kỳ họp thứ 9 QH khóa XIII, Bộ trưởng bộ LĐ-TB&XH đã thay mặt Chính phủ đọc tờ trình đề nghị QH xem xét, sửa đổi điều luật này. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH và UBND TP.HCM và nhiều đại biểu QH đã nhất trí sửa đổi như thế để phù hợp với tình hình thực tiễn và nguyện vọng của công nhân.
Nếu cho rằng Luật BHXH phải tới 1-1-2016 mới có hiệu lực nên kỳ họp này chưa cần phải xem xét sửa đổi ngay thì e rằng quá chậm. Vì sau khi Luật BHXH có hiệu lực, Chính phủ còn phải ban hành văn bản hướng dẫn, mà NLĐ thì lại rất cần văn bản hướng dẫn hơn là những điều luật.
Tình hình cấp bách thì cần phải áp dụng giải pháp cấp bách, chứ nếu cứ bàn tới bàn lui cuối cùng người phải chịu thiệt là công nhân. Nếu vì một lý do nào đó mà Kỳ họp thứ 9 này QH chưa xem xét, sửa đổi thì QH cũng phải ra một nghị quyết tạm thời chưa thi hành Điều 60 Luật BHXH cho đến khi QH có quyết định cuối cùng.
ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao