Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh hòa giải, đối thoại rất quan trọng để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống. Hòa giải, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để các tranh chấp mà không cần phải qua phiên tòa xét xử, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan. Kết quả phần lớn dựa trên nguyên tắc tự nguyện để các bên thi hành.
TAND Tối cao đã triển khai thí điểm tại TP Hải Phòng từ tháng 3 đến tháng 8-2018. Sau khi sơ kết thành công việc thí điểm đã mở rộng tại 16 địa phương khác từ tháng 11-2018 đến tháng 9-2019. Theo ông Bình, đây là mô hình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giải quyết hiệu quả các tranh chấp phát sinh trong đời sống xã hội, phù hợp với xu hướng phát triển. Kết quả thực hiện đến nay còn có ý nghĩa rất lớn trong việc cung cấp thông tin, rút ra bài học để xây dựng dự thảo luật hòa giải, đối thoại tại tòa án (TAND Tối cao đang trình Quốc hội xem xét).
Bà Nguyễn Thị Thúy Hiền, Phó Chánh án TAND Tối cao, cho biết sau 10 tháng thí điểm tại 16 tỉnh, thành, mô hình này phát huy nhiều ưu điểm. Đó là đáp ứng được mong mỏi của các bên tranh chấp, các bên tôn trọng, tuân theo và tòa án công nhận, đảm bảo thi hành. Giảm tải được công việc và áp lực đối với công tác xét xử của tòa án, hạn chế được khiếu kiện hành chính kéo dài. Đây cũng là phương thức phù hợp với xu thế của thời đại, thúc đẩy giao lưu dân sự, kinh tế phát triển, nâng cao hình ảnh quốc gia trên bình diện quốc tế.
Ngoài ra mô hình cũng thu hút được lực lượng ngoài biên chế nhà nước có trình độ, có chuyên môn đào tạo, có uy tín, tâm huyết, trách nhiệm. Trung bình một vụ việc hòa giải thành chỉ bằng 22% chi phí xét xử sơ thẩm và đặc biệt là vụ việc được giải quyết kín đáo, bảo mật thông tin. Tuy nhiên, theo bà Hiền, mô hình cũng tồn tại khó khăn như về nhân sự còn thiếu, về cơ sở vật chất, kinh phí còn ít…
Hội nghị có nhiều tham luận trình bày, chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hiệu quả tại địa phương trong thực hiện mô hình hòa giải, đối thoại.
Tại hội nghị, bà Trương Thị Mai (Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương) nhấn mạnh: “Hòa giải, đối thoại tại tòa án chính là làm công tác dân vận, vì vậy cần phải quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân”.
Qua đó bà Mai đề nghị TAND Tối cao, trên cơ sở tổng kết thí điểm phải nghiên cứu để tạo ra các thiết chế đảm bảo quyền tự quyết của người dân, đồng thời tiếp tục hoàn thiện dự án luật hòa giải, đối thoại tại tòa án để trình Quốc hội xem xét, thông qua...
Dịp này, TAND Tối cao cũng công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tặng bằng khen cho năm tập thể, hai cá nhân. Chánh án TAND Tối cao tặng bằng khen cho 21 tập thể và 21 cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án.
Con số ấn tượng Sau gần một năm thí điểm 16 địa phương đã hòa giải thành, đối thoại thành được gần 37.000 vụ việc trên tổng số hơn 47.000 vụ việc hòa giải, đối thoại (đạt tỉ lệ 78,08%). Trong đó đã hòa giải thành, đối thoại thành gần 33.000 vụ việc về hôn nhân và gia đình (chiếm 89,02%), hơn 3.100 vụ án dân sự (8,45%) và hơn 540 vụ án về kinh doanh thương mại, 300 vụ khiếu kiện hành chính, 107 vụ về lao động. Các tỉnh, thành có số lượng hòa giải thành, đối thoại thành cao như Hà Nội hơn 5.400 vụ, TP.HCM hơn 5.100 vụ, Bình Dương hơn 4.200 vụ, Khánh Hòa hơn 3.000 vụ việc. |