Ủy ban (UB) Tư pháp của Quốc hội vừa họp phiên toàn thể lần thứ 13, trong đó có thẩm tra dự án luật hòa giải, đối thoại tại tòa án (dự luật), do TAND Tối cao chủ trì soạn thảo. Ông Nguyễn Đức Sáu, Ủy viên UB Tư pháp, băn khoăn về tính pháp lý. Tên dự luật là đối thoại tại tòa án có ổn không, rồi vấn đề tổ chức, con người, kinh phí… như thế nào.
Người băn khoăn
Theo ông Sáu, ông ở trong ban chỉ đạo thí điểm hòa giải, đối thoại tại tòa ở TP.HCM. Bước đầu TP.HCM thành lập 10 trung tâm nhưng vấn đề kinh phí tạm ứng cũng khó khăn. Về lực lượng hòa giải viên rất tốt nhưng đến giờ vẫn thiếu tiền hoạt động. Do không chờ được kinh phí từ TAND Tối cao nên TP.HCM phải xin từ UBND TP. Qua thời gian thí điểm đã phát sinh nhiều vấn đề như cơ sở vật chất thì có nhưng nếu hòa giải viên không đến làm việc thì sao. Từ đó ông đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc nhiều mặt.
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Chủ tịch Hội Luật gia Đà Nẵng, nhận định: “Số liệu hòa giải thành đại đa số là các vụ việc về hôn nhân, gia đình. Vậy các lĩnh vực khác thế nào, cần phải có số liệu để đánh giá”.
Đồng tình, ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cũng nói còn băn khoăn. “Ta chưa gọi được tên nó (hòa giải, đối thoại tại tòa - PV) mà đặt cơ chế cho nó thì có ổn không. Chính phủ cũng nêu nhiều vấn đề đối với dự luật này. Nếu quan điểm không rõ thì làm luật hướng theo cái gì?” - ông Phong nói.
Theo ông Phong, tờ trình của dự luật đưa ra nhiều lợi ích như việc giảm tải cho tòa án nhưng người dân được lợi gì trong cơ chế này? Việc giải quyết vụ kiện có nhanh hơn không, tình làng nghĩa xóm có tốt hơn không, có bớt rủi ro khi “đáo tụng đình” hay không? Ngoài ra đây có phải là một thủ tục mới hay không, có sinh ra việc phí chồng phí?
Về nhân sự, ông Phong nói: “Như dự luật thì hòa giải viên là sử dụng công chức nhà nước trong tòa án. Chức năng chính của anh là xét xử, giờ anh lại kiêm thêm hòa giải thì có hợp lý không? Hay là chỉ các thẩm phán về hưu mới đủ tiêu chuẩn? Những người có uy tín, kiến thức khác có làm được không? Tôi muốn ủng hộ nhưng chưa lý giải được các câu hỏi này!”.
Một buổi hòa giải tại Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND quận Bình Tân, TP.HCM. Ảnh: NGÂN NGA
Người ủng hộ
Ngược lại, ông Nguyễn Hữu Chính, Chánh án TAND TP Hà Nội, lại cho rằng việc thí điểm hòa giải, đối thoại tại tòa án ở Hà Nội rất hiệu quả. Từ tháng 11-2018 đến nay thí điểm thì đã giải quyết được 7.714 đơn yêu cầu hòa giải và hòa giải thành 5.482 vụ việc. Các vụ án phải xét xử thì mất 4-6 tháng, còn hòa giải thì 20 ngày là xong và sẽ giảm tải công việc cho tòa án. Mặt khác, ông Chính cho rằng hòa giải viên có quyền giải thích, kết luận, phát biểu nhưng nếu hòa giải theo tố tụng thì không được.
Bà Nguyễn Thị Thủy, VKSND Tối cao cho rằng việc ban hành một đạo luật về hòa giải, đối thoại tại tòa án không mâu thuẫn và không triệt tiêu các cơ chế hòa giải khác. Bà Thủy nằm trong đoàn đi khảo sát thí điểm hòa giải, đối thoại tại tòa án ở Hà Nội và thấy rất hiệu quả. Trong ba năm trước chỉ có bốn vụ án hành chính hòa giải được nhưng thí điểm mô hình này thì chỉ trong sáu tháng đầu năm 2019 đã có 44 vụ hòa giải thành.
Bà Thủy dẫn chứng: “Có một hòa giải viên buổi sáng nhận đơn đương sự kiện UBND quận Cầu Giấy về việc áp thuế sử dụng đất cao. Sau khi nghiên cứu đơn, buổi chiều hòa giải viên này phi xe máy đến ngay UBND quận Cầu Giấy nói rằng ủy ban đã sai rồi, nếu không đối thoại thì khả năng sẽ bất lợi. Thế là ngay chiều đó UBND quận rút quyết định hành chính này. Hòa giải viên làm được chuyện này chứ thẩm phán thì không làm được”. Trả lời thắc mắc về việc hòa giải, đối thoại là tiền tố tụng hay tố tụng, bà Thủy nói: “Cơ chế này chỉ là dính dáng đến tố tụng chứ không phải tố tụng hay tiền tố tụng”.
Có thể ngăn chặn việc “chạy án”? Tờ trình của TAND Tối cao về dự luật đánh giá, với cách thức thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc chia sẻ, cảm thông, hòa giải, đối thoại góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt... Hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử, kết quả phần lớn được các bên tự nguyện thi hành. Vụ việc không phải trải qua các cấp xét xử của tòa; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc dư luận. Với tòa án đây là giải pháp căn cơ, giúp giải quyết khối lượng công việc ngày càng nặng nề. Ngoài ra giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa giải, đối thoại sẽ ngăn ngừa được những tiêu cực, tình trạng “chạy án” có thể phát sinh… Tuy nhiên, tại phiên họp, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga đã đề nghị TAND Tối cao phải lý giải được nhận định vì sao hòa giải, đối thoại lại có thể ngăn ngừa tình trạng "chạy án". |