Sáng 7-11, TAND TP.HCM đã tổ chức hội nghị triển khai thí điểm tăng cường công tác hòa giải, đối thoại trong giải quyết án dân sự, hành chính tại TP.
Lập 10 trung tâm hòa giải tại 10 tòa
Theo đó, TP sẽ triển khai thí điểm việc hòa giải, đối thoại tại các trung tâm hòa giải được đặt tại 10 tòa án, bao gồm một trung tâm tại TAND TP và chín trung tâm tại TAND các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Gò Vấp, Bình Tân, Tân Phú và các huyện Bình Chánh, Củ Chi.
Cơ sở vật chất, thiết bị làm việc, kinh phí hoạt động của 10 trung tâm này được hỗ trợ từ nguồn ngân sách tập trung của TP và nguồn ngân sách TP phân cấp cho các quận, huyện.
Nhiệm vụ của các trung tâm này là hòa giải các tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại, hôn nhân và gia đình, lao động, đối thoại các khiếu kiện hành chính theo yêu cầu của đương sự và các vụ việc trước khi tòa thụ lý, giải quyết, trừ những tranh chấp, khiếu kiện không được hòa giải, đối thoại theo quy định của BLTTDS, Luật Tố tụng hành chính.
Thành phần của các trung tâm này bao gồm giám đốc trung tâm là chánh án tòa án thực hiện thí điểm, phó giám đốc trung tâm là thẩm phán tòa này cùng các hòa giải viên, đối thoại viên, thư ký hỗ trợ công tác hành chính tư pháp (nếu có).
Số lượng hòa giải viên, đối thoại viên của trung tâm tại TAND TP là 19 người, tại các tòa quận, huyện là 5-10 người. Hòa giải viên, đối thoại viên được ưu tiên lựa chọn từ các thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chuyên viên pháp lý trong các cơ quan Đảng và Nhà nước thuộc khối nội chính... đã về hưu; luật sư, luật gia, hội thẩm nhân dân hoặc những người khác có kiến thức pháp luật, có kinh nghiệm trong hòa giải, đối thoại, có uy tín trong cộng đồng… Hòa giải viên, đối thoại viên có chế độ bồi dưỡng theo quy định tại Quyết định 185/2018 của chánh án TAND Tối cao.
Thời gian triển khai thí điểm là sáu tháng, bắt đầu từ ngày 1-11-2018. Trong trường hợp cần thiết và khả năng cho phép thì thời gian thí điểm có thể kéo dài đến khi Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án được Quốc hội ban hành.
Các thành viên, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Thành phố thực hiện thí điểm về hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND hai cấp. Ảnh: PL
Ba cái lợi cho người dân
Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, Chánh án TAND TP Ung Thị Xuân Hương cho biết có ba lợi ích cho người dân qua việc triển khai thí điểm các trung tâm hòa giải tại tòa án.
Lợi ích thứ nhất là tiết kiệm thời gian cho các bên. Theo quy định, khi trung tâm tiếp nhận hồ sơ thì trong vòng 20 ngày sẽ tổ chức hòa giải; trường hợp phức tạp, các đương sự yêu cầu thì cũng không quá hai tháng. Nếu theo thủ tục tố tụng thì ít nhất cũng phải bốn tháng, thậm chí có vụ nhiều năm chưa giải quyết được...
Lợi ích thứ hai là hòa giải, đối thoại được với nhau thì các đương sự tiết kiệm được thời gian, công sức, chi phí, nhất là không mất án phí bởi trong thời gian thí điểm, Nhà nước hoàn toàn hỗ trợ.
Lợi ích thứ ba là tạo sự ổn định, sự đoàn kết gắn bó trong gia đình, trong nhân dân và trong các doanh nghiệp khi hòa giải viên sẽ phân tích về cái lý, cái tình, những được mất, hơn thua trong tranh chấp để các bên tự thỏa thuận với nhau.
Bà Hương cũng cho biết việc hòa giải tại các trung tâm trên là tiền tố tụng nên không theo một trình tự tố tụng nào hết. Nếu các đương sự hòa giải thành nhưng không đề nghị tòa công nhận mà để tự thỏa thuận với nhau thì thôi. Còn sau khi hòa giải thành mà các đương sự đề nghị công nhận thì tòa sẽ cử thẩm phán ký vào biên bản hòa giải thành đó, sau đó tòa sẽ thụ lý và ra quyết định công nhận luôn. Sự công nhận của tòa sẽ có giá trị pháp lý để thi hành. Riêng hòa giải thành trong ly hôn, ví dụ các bên đương sự thỏa thuận ly hôn với nhau được thì phải chuyển qua tòa để công nhận vì chỉ có tòa mới có quyền này.
“Chỉ cần tỉ lệ hòa giải, đối thoại thành trên 5% thôi thì đã giảm tải công việc cho tòa rất nhiều. Giảm công tác xét xử thì sẽ giảm công tác thi hành án” - bà Hương nhấn mạnh.
Hải Phòng: Tỉ lệ hòa giải thành lên đến 76% Trước đây, TAND Tối cao đã triển khai thí điểm mở các trung tâm hòa giải tại TAND TP Hải Phòng và TAND chín quận, huyện ở Hải Phòng. Nay Hải Phòng tiếp tục thí điểm tại các quận, huyện còn lại (trừ huyện Cát Hải và Bạch Long Vĩ). Theo thống kê, tỉ lệ hòa giải thành của các trung tâm hòa giải tại tòa án ở Hải Phòng lên đến 76%. Dịp này, TAND Tối cao mở rộng việc thực hiện thí điểm tại 16 tỉnh, thành như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương, Cần Thơ, Long An. Tiếp nhận linh hoạt Khi người dân khởi kiện, tòa sẽ hướng dẫn người dân qua trung tâm để hòa giải. Nếu người dân không chịu, tòa sẽ nhận đơn kiện và tiến hành các bước theo quy định tố tụng. Còn nếu người dân đồng ý qua trung tâm, sau đó hòa giải không thành thì trung tâm hướng dẫn người dân nộp lại đơn kiện cho tòa, khi đó tòa sẽ nhận đơn và và tiến hành các bước theo quy định tố tụng. Trong trường hợp tòa chuyển đơn kiện của dân qua trung tâm mà sau đó hòa giải không thành thì trung tâm sẽ chuyển hồ sơ lại cho tòa. Người dân cũng có thể đến trực tiếp trung tâm, khi đó hòa giải viên sẽ hòa giải, nếu không thành thì hướng dẫn họ qua tòa nộp đơn. Một hòa giải viên trung tâm hòa giải tại TP.HCM |