Sáng 26-10, phiên tòa xét xử vụ đại án xảy ra tại ngân hàng BIDV của TAND TP Hà Nội bước vào phần xét hỏi. Mở đầu, đại diện VKS công bố bản cáo trạng truy tố 12 bị cáo tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Theo cơ quan công tố, việc BIDV, BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh và BIDV Chi nhánh Hà Thành cho hai công ty Bình Hà và công ty Trung Dũng vay trái quy định đã gây thất thoát cho BIDV hơn 1.600 tỉ đồng. Trong đó, riêng tại chăn nuôi bò của công ty Bình Hà, số tiền lên tới hơn 799 tỉ đồng.
Ông Trần Bắc Hà (phải) và con trai Trần Duy Tùng. Ảnh: TỔNG HỢP
Lái xe làm tổng giám đốc “bù nhìn”
Đầu năm 2015, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Tĩnh, ông Trần Bắc Hà (cựu chủ tịch BIDV) tới dự và trao đổi với lãnh đạo tỉnh về chủ trương thành lập dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt ứng dụng công nghệ cao.
Dự án dự kiến có quy mô 150.000 con bò/năm, tổng vốn đầu tư hơn 4.200 tỉ đồng, thời hạn hoạt động dự án 50 năm...
Ông Hà cam kết BIDV là đơn vị tài trợ vốn, đồng thời giới thiệu hai nhà đầu tư là Công ty CP Tập đoàn An Phú và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Ông Hà còn gửi nhiều văn bản tới Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị hỗ trợ đầu tư dự án.
Tuy nhiên, do Trần Duy Tùng (con trai ông Hà) đang là TGĐ Công ty An Phú nên theo quy định BIDV không được cấp tín dụng cho liên danh này.
Để “lách luật”, ông Hà chủ trương thành lập Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà (Công ty Bình Hà) gồm ba cổ đông Trần Anh Quang (cháu họ ông Hà và là lái xe cho Tùng), Thái Thành Vinh (bạn của Tùng) và Đinh Văn Dũng (do Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai giới thiệu).
Quá trình hoạt động, Trần Quang Anh và Đinh Văn Dũng luân phiên giữ chức TGĐ công ty, nhưng thực tế Trần Duy Tùng mới là người trực tiếp chỉ đạo điều hành mọi hoạt động.
Tháng 4-2015, Đinh Văn Dũng ký công văn đề nghị BIDV chấp thuận cung cấp vốn tín dụng cho dự án đầu tư chăn nuôi bò của công ty Bình Hà.
Tính đến ngày 9-11-2018, BIDV chi nhánh Hà Tĩnh đã giải ngân cho công ty Bình Hà số tiền vay hơn 2.600 tỉ đồng, trong đó số tiền không có khả năng thu hồi đến nay là hơn 799 tỉ đồng.
VKS quy kết BIDV phê duyệt cấp tín dụng dài hạn và ngắn hạn cho công ty Bình Hà khi mới thành lập, chưa có hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa có Báo cáo tài chính, thuộc doanh nghiệp chưa đủ điều kiện để xếp hạng tín dụng theo quy định của BIDV. Việc này vi phạm chính sách cấp tín dụng đối với doanh nghiệp và quy chế cho vay đối với khách hàng của BIDV.
Đại diện VKS tại tòa ngày 26-10. Ảnh: TP
Quyền lực của ông Trần Bắc Hà
Để xảy ra các sai phạm như đã nêu, cơ quan tố tụng xác định trách nhiệm thuộc về các cựu lãnh đạo, cán bộ thuộc BIDV tại thời điểm phê duyệt và cấp vốn vay cho công ty Bình Hà.
Trong đó, ông Trần Bắc Hà sử dụng ba cá nhân không có năng lực tài chính, kinh nghiệm để thành lập công ty “sân sau”, lập dự án và xin vay vốn tại BIDV. Ông cũng chỉ đạo xuyên suốt BIDV và BIDV chi nhánh Hà Tĩnh trong việc tiếp nhận, thẩm định cho vay và giải ngân.
Đặc biệt, theo lời khai của nhiều bị cáo, ông Hà là một người rất quyền lực. Quá trình giải quyết cho công ty Bình Hà vay vốn, nhiều cá nhân từng có ý kiến hoặc báo cáo song vì sức ép từ cựu chủ tịch BIDV nên buộc phải làm theo.
Điển hình, bị cáo Trần Lục Lang (cựu phó TGĐ BIDV) khai biết công ty Bình Hà không đủ điều kiện về năng lực tài chính cũng như phương án không có tính khả thi, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tuy nhiên, khi bị cáo yêu cầu doanh nghiệp bổ sung vốn tự có và tài sản bảo đảm bảo thì không được ông Hà đồng ý, nên phải ký duyệt báo cáo thẩm định bỏ các điều kiện.
Hay như bị cáo Đoàn Ánh Sáng (cựu phó TGĐ BIDV), ông này thừa nhận các hành vi vi phạm nhưng khai do ông Hà nhiều lần thúc ép và chỉ đạo ráo riết nên buộc phải ký. Sau này, bị cáo mới biết bản chất công ty Bình Hà là công ty sân sau của ông Hà.
Tương tự, bị cáo Kiều Đình Hòa (cựu giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tình) khai ông Hà là người đề ra chủ trương và trực tiếp làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh để xúc tiến đầu tư dự án, đề nghị cấp đất; đồng thời chỉ đạo cho mượn phòng làm việc tại trụ sở chi nhánh để thành lập công ty.
Quá trình thực hiện giải ngân, chi nhánh phát hiện công ty Bình Hà không đáp ứng các điều kiện theo ủy nhiệm nên đã ngừng giải ngân. Sau đó, công ty này phản ứng, làm đơn gửi ông Hà. Kết quả, ông Hà yêu cầu cách chức giám đốc chi nhánh.
Do bị sức ép, BIDV chi nhánh Hà Tĩnh đã phải đề nghị Hội sở quyết định đổi một số điều kiện về hồ sơ pháp lý, tỷ lệ vốn tự có… theo đề nghị của công ty Bình Hà.
Theo cáo trạng, ông Trần Bắc Hà có vai trò chỉ đạo cao nhất trong việc cho công ty Bình Hà vay vốn trái quy định. Tuy nhiên, do ông này đã chết vì bệnh lý tại trại tạm giam nên Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định đình chỉ điều tra.
Con trai ông Trần Bắc Hà bỏ trốn Cơ quan tố tụng cho biết sau khi phạm tội, Trần Duy Tùng (con trai ông Trần Bắc Hà) và Thái Thành Vinh đã bỏ trốn. Hiện nay cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra quyết định truy nã quốc tế và tách vụ án hình sự, tạm đình chỉ điều tra đối với hai bị can này, khi nào bắt được sẽ xử lý sau. |