Đặt camera quay lén trong khách sạn: Dễ bị tội hình sự

Thời gian qua, không ít vụ phát tán clip nóng, clip quay lén trên mạng xã hội để tống tiền gây bức xúc dư luận. Liên quan đến vấn đề này, dư luận rất bức xúc nên quan tâm về hậu quả pháp lý mà những người thực hiện phải đối diện.

Xâm phạm đến nhiều quyền của con người

Nói về vấn đề này, luật sư (LS) Bùi Quốc Tuấn, Đoàn LS TP.HCM, cho biết những hành vi đặt camera quay lén để ghi lại hình ảnh, clip của người khác để dùng vào nhiều mục đích khác nhau đều là những hành vi vi phạm xâm phạm đến các quyền của công dân được quy định trong BLDS 2015. Cụ thể là các quyền đời sống riêng tư, bí mật cá nhân; quyền về được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín; quyền của cá nhân đối với hình ảnh… 

Bùi Đức Điệp, người đặt camera trong khách sạn để quay lén các cặp đôi, vừa bị Công an quận Phú Nhuận (TP.HCM) tạm giữ để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Ảnh do công an cung cấp

Theo LS Tuấn, điều 32, 34 của BLDS đã quy định rất rõ cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình và việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó.

Ngoài ra, Điều 38 BLDS cũng quy định đời sống riêng tư, bí mật cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý.

“Như vậy, có thể thấy việc lắp đặt camera quan sát là quyền của mỗi người nhưng mấu chốt là vị trí lắp đặt. Ví dụ, chủ các nhà nghỉ, khách sạn, các hộ gia đình lắp đặt camera tại những điểm mang tính sinh hoạt chung như phòng khách, hành lang, thang máy… để phục vụ cho việc giám sát, quản lý thì không có vấn đề gì.

Nhưng việc đặt camera ở những nơi riêng tư như trong phòng ngủ, nhà vệ sinh của khách sạn, lắp các camera quay lén là vi phạm về bí mật đời tư của công dân (trừ trường hợp chủ nhà tự lắp camera trong phòng ngủ của mình). Bất luận vì mục đích gì thì việc tự ý lén ghi hình người khác cũng là vi phạm bí mật đời tư” - LS Tuấn phân tích.

Quay lén các cặp đôi trong khách sạn để tống tiền

Một vụ việc điển hình cho thực trạng này là ngày 1-6 mới đây, Công an quận Phú Nhuận, TP.HCM đang tạm giữ Bùi Đức Điệp (21 tuổi, quê Hải Dương) để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Điệp là người chuyên đặt các camera quay lén tại một khách sạn trên đường Phan Xích Long để quay video các cặp đôi tại khách sạn nhằm mục đích tống tiền.

Với thủ đoạn trên, Điệp đã thu được nhiều clip của các nạn nhân và tống tiền anh T. (25 tuổi) 26 triệu đồng nhưng nạn nhân chưa chuyển tiền. Kiểm tra nơi ở của Điệp, Công an quận Phú Nhuận tạm giữ dàn máy tính, máy in và một số vật dụng khác mà Điệp dùng vào mục đích quay lén, lưu trữ video, in ảnh để tống tiền. 

Có thể bị xử hình sự về nhiều tội

Về chế tài mà người thực hiện hành vi phải đối diện, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, LS Lê Dũng, Đoàn LS TP.HCM, cho biết về chế tài hành chính, Điều 102 Nghị định 15/2020 quy định phạt tiền 10- 20 triệu đồng đối với tổ chức nào thực hiện hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức; danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. Nếu là cá nhân thực hiện các hành vi trên thì mức phạt sẽ là 5-10 triệu đồng.

Về xử lý hình sự, LS Dũng cũng cho rằng hành vi dùng camera quay lén ghi lại những hình ảnh, clip nhạy cảm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về ba tội tùy thuộc vào mục đích của người thực hiện hành vi.

Cụ thể, người nào dùng clip quay lén đi uy hiếp, tống tiền người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản được quy định tại Điều 170 BLHS. Khung hình phạt nhẹ nhất ở khoản 1 của tội này là 1-5 năm tù.

Cũng với hành vi đó, người nào dùng những clip nhạy cảm này phát tán lên mạng xã hội hoặc các phương tiện thông tin truyền thông khác với mục đích cho nhiều người biết thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo quy định tại Điều 326 BLHS. Khung hình phạt thấp nhất của tội này là bị phạt tiền 10-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Người thực hiện hành vi này cũng có thể bị truy tố về tội làm nhục người khác theo Điều 155 BLHS (khung hình phạt thấp nhất là phạt tiền 10-30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm) nếu như dùng những hình ảnh, clip quay lén đó vào mục đích và tới mức độ xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của một người nào đó.

Như vậy, có thể thấy việc đặt camera quay lén để ghi lại những hình ảnh, clip riêng tư, bí mật cá nhân của bất kỳ ai thì cũng đều là hành vi vi phạm pháp luật. Nhẹ thì bị xử lý hành chính, nặng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, mỗi cá nhân khi gặp một ai đó dùng những hình ảnh, clip nhạy cảm để uy hiếp, tống tiền thì bình tĩnh thu thập, lưu lại những chứng cứ, sau đó trình báo tới cơ quan công an để được hỗ trợ xử lý.

Nhiều vụ tống tiền bằng clip nhạy cảm

- Ngày 16-4-2021, Công an TP Biên Hòa, Đồng Nai bắt giữ bà Phan Thị Tư (44 tuổi, ngụ huyện Cẩm Mỹ) để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Bà Tư quen ông H. qua mạng xã hội và lén dùng điện thoại của mình để ghi lại những hình ảnh “nóng” của hai người nhằm tống tiền ông H. Bà Tư bị công an bắt quả tang khi đang nhận 100 triệu đồng.

- Ngày 9-11-2020, cơ quan điều tra Công an TP Huế, Thừa Thiên-Huế bắt Trần Minh Tuấn (24 tuổi, trú Quảng Trị) phạm tội cưỡng đoạt tài sản sau ba năm lẩn trốn. Trước đó, cuối năm 2017, Tuấn đã có hành vi dùng clip nhạy cảm của chị Lê Thị H. (phường Xuân Phú, TP Huế) để đe dọa chị này giao số tiền 10 triệu đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm