Đã có không ít trường hợp quy định pháp luật bất cập, thiếu tính thực tiễn, vừa ban hành đã phải thu hồi ngay vì bị người dân phản đối hoặc lặng lẽ “bỏ xó” như chưa bao giờ ra đời. Đó là sự xa rời của nhiều quy định pháp luật với thực tế cuộc sống.
Luật một đằng, thực tiễn đi một nẻo
Các quy định bất hợp lý này bao trùm ở hầu hết khu vực, ngành nghề. Chẳng hạn: Quy định không được đặt tên doanh nghiệp trùng tên doanh nhân, quy định đóng tài chính cho công đoàn bằng 2% quỹ lương, quy định về bình chữa cháy trên ô tô, quy định ưu tiên tuyển sinh với Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động cách mạng trước năm 1945…
Đặc biệt có trường hợp quy định pháp lý được đánh giá là cần thiết, hợp lý, được người dân ủng hộ nhưng khi đưa vào thực thi thì không ổn. Ví dụ như quy định về xử phạt lên tới 7 triệu đồng đối với hành vi xả rác, tiểu bậy… không đúng nơi quy định (theo Nghị định 155/2016) nhưng chỉ để đó vì không thực thi được. Tương tự là quy định phạt chủ nuôi 600.000-800.000 đồng (theo Nghị định 90/2017) đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó, không có xích giữ chó hoặc không có người dắt khi đưa chó đến nơi công cộng…
Quy định về xử phạt lên tới 7 triệu đồng đối với hành vi xả rác, tiểu bậy… không đúng nơi quy định không thực thi được. Ảnh minh họa
Hậu quả của các quy định pháp lý bất cập là gây ra ảnh hưởng tiêu cực doanh nghiệp và làm giảm niềm tin của người dân vào năng lực của chính quyền. Luật ban hành không hợp lý, không khả thi khiến tình trạng “nhờn” luật, coi luật có như không trở nên phổ biến.
Ba nguyên nhân chính
Vậy nguyên nhân là vì đâu? Trước hết là do năng lực của người làm luật chưa xem xét đến yếu tố phù hợp với thực tế cuộc sống trong khi nó là yếu tố đầu tiên cần nhắm tới. Có thể do họ không thực hiện đúng quy trình xây dựng luật theo bảy bước theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Có trường hợp, các nhà xây dựng dự thảo luật “nhảy cóc” không tuân thủ theo thời gian quy định khi soạn thảo dự thảo và ban hành văn bản luật do các cơ quan nhà nước đã xây dựng.
Tiếp đó là việc không khảo sát lấy ý kiến của nhân dân hay của các đối tượng áp dụng, chỉ xem xét trên góc nhìn của cá nhân hay đơn vị soạn thảo. Tóm lại đây là vấn đề phẩm chất và năng lực nhưng hầu như không ai bị xử lý vì ban hành văn bản pháp luật bất cập nên tình trạng này vẫn diễn ra.
Thứ hai là các cơ quan thực thi luật pháp làm cho có, thực thi không nghiêm, dẫn đến “nhờn” luật. Thực tế, nhiều trường hợp luật nói một đằng, các cơ quan thực thi lại hướng dẫn một nẻo, hậu quả là người dân hay doanh nghiệp hoang mang không biết phải tuân thủ theo luật hay theo các cơ quan thực thi.
Thứ ba là ý thức tuân thủ luật pháp người dân hay các doanh nghiệp còn rất yếu. Đơn cử như hiện nay, một số người dân vẫn thường đi bộ trên đường cao tốc hay đi ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông. Hậu quả là nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đáng tiếc…
Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân như luật chưa được tuyên truyền rộng rãi đến người dân, không được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông…
Giải pháp nào?
Với người làm luật, quan trọng nhất là quy trách nhiệm. Cá nhân những người xây dựng, soạn thảo, ban hành luật phải chịu trách nhiệm và bị xử lý khi làm sai, thì mới hết tình trạng người năng lực yếu cứ làm bừa, cắt bớt quy trình, các bước xây dựng luật, xén khâu thẩm định, bỏ quên thực tế.
Cần có đội ngũ chuyên môn rà soát các văn bản pháp luật đã ban hành, thẩm định và xem xét chi tiết tính hiệu quả của các văn bản quan trọng, lấy ý kiến nhân dân với những trường hợp đã bỏ sót, để “nhặt” ra những quy định không phù hợp và điều chỉnh.
Với người thực thi pháp luật cần quy trách nhiệm nếu làm không đúng, không nghiêm sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Khi cán bộ thực thi pháp luật “biết sợ”, làm việc nghiêm túc thì người dân nghiêm túc tuân theo.
Để luật không xa rời cuộc sống thì nhất thiết phải “lồng” luật vào trong cuộc sống hằng ngày. Cần nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến luật, đưa giáo dục luật pháp vào trường học. Đẩy mạnh các công cụ để người dân, các đối tượng áp dụng dễ dàng góp ý xây dựng điều chỉnh luật hoặc góp ý, phản ánh các bất cập, các trường hợp vi phạm.