Khi CSGT có cơ hội trục lợi chính sách

Trường hợp 1 là có những hành vi bắt buộc phải ngăn chặn ngay để không gây hậu quả nghiêm trọng được liệt kê ở Điều 78 Nghị định 46/2016 (như điều khiển xe không có giấy đăng ký xe hoặc khi có uống rượu bia hay trong cơ thể có chất ma túy; điều khiển ô tô lạng lách, đánh võng; không chấp hành việc kiểm tra tải trọng…). Trường hợp 2 là phạm các lỗi chỉ bị phạt tiền nhưng lại không có giấy phép lái xe hoặc giấy phép lưu hành xe… để nộp cho CSGT nhằm đảm bảo cho việc thi hành quyết định xử phạt. Trường hợp 3 là để CSGT xác minh tình tiết nhằm có căn cứ ra quyết định xử phạt.

Ấy thế mà theo phản ảnh của nhiều bạn đọc báo Pháp Luật TP.HCM thì tuy không thuộc các trường hợp trên nhưng họ vẫn bị CSGT đòi… giam xe. Tại sao và để làm gì?

Theo lãnh đạo một đội CSGT ở TP.HCM, có thể CSGT dọa để răn đe không được tái phạm, nếu nghe CSGT “có một mà nói hai” và cảm thấy nghi ngờ thì mọi người có thể phản ảnh với lãnh đạo đội xử lý. Còn đối với số đông người vi phạm, khi luôn bị ám ảnh, phập phồng bởi việc chiếc xe ắt hẳn bị “sứt mẻ” trước nắng, mưa cộng với những thủ tục nhiêu khê kèm theo khi muốn thưa gửi hay khi muốn nhận lại phương tiện đã chọn cách… chung chi.

Những đồng tiền được đưa ra có thể miễn cưỡng hoặc không nhưng thường ẩn trong đó là sự thiếu tôn trọng - đầu tiên là của chính người vi phạm và tiếp theo là của những người biết chuyện - dành cho bên nhận. Để rồi những món lợi nhỏ bất chính mà các cá nhân CSGT thu được từ chỗ không xử lý sai phạm theo đúng quy định sẽ dẫn đến những thiệt hại lớn về hình ảnh của ngành cùng những mất mát rất lớn cho xã hội khi pháp luật không được thực thi nghiêm minh. Vậy cứ tiếp tục xem nhẹ là “hù cho sợ” hay phải thẳng thắn nhìn nhận đó chính là việc trục lợi chính sách của một số cá nhân để lực lượng CSGT buộc phải sớm kiểm tra, chấn chỉnh trong nội bộ?

2. Tình trạng số lượng lớn xe vi phạm bị giam gây khó khăn trong việc bố trí nơi trông giữ và làm lãng phí của cải xã hội từng tồn tại trong một thời gian khá dài. Hạn chế trong việc thực thi quy định khiến cớ sự xảy ra thì đã rõ, nổi cộm là nhiều CSGT đã có sự lạm dụng khi coi giam xe là một hình thức xử phạt trong khi bản chất của nó là một biện pháp để hỗ trợ việc xử lý vi phạm. Thế nhưng các quy định có liên quan (Nghị định 115/2013, Nghị định 46/2016, Thông tư 47/2014 của Bộ Công an…) liệu đã hợp lý chưa hay cần phải xem xét sửa đổi để nhiều xe không bị biến thành phế liệu?

Chẳng hạn, có cần thiết phải đòi hỏi người không muốn bị giam xe phải có nơi giữ, bảo quản xe đạt chuẩn (như bảo đảm an toàn về phòng, chống cháy nổ và đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường) trong khi xe của họ thì chính họ sẽ biết cách bảo vệ phù hợp và tốt hơn ai hết? Có cách nào khác để người vi phạm (nhất là đối với những người có thể đặt tiền bảo lãnh) được tự giữ xe ngay hoặc trễ nhất là chỉ sau vài giờ xe bị câu lưu chứ không phải là 2-5 ngày sau khi xe đã bị giam “rêm mình rêm mẩy” (bằng quyết định tạm giữ) hay không? Thời gian giam xe đối với các trường hợp bắt buộc ngăn chặn ngay các hành vi vi phạm nguy hiểm có nhất thiết là bảy ngày theo mức tối đa được Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định cho những vụ việc đơn giản nói chung hay nên giảm xuống? Thời gian tịch thu, đấu giá các xe tồn kho vô thừa nhận ngắn hơn nữa được không?…

3. Tới đây TP.HCM sẽ áp dụng rộng rãi việc xử phạt vi phạm giao thông qua camera, hạn chế việc CSGT đứng ngoài đường xử lý sai phạm và kéo theo đó là những bắt chẹt, bắt tay lẫn các đối kháng với người vi phạm. Cùng với giải pháp căn cơ này, Công an TP.HCM cũng cần gấp rút thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND TP.HCM là đề xuất các bộ, ngành theo hệ thống dọc điều chỉnh, bổ sung các quy định để hạn chế gây ra nhiều hệ lụy từ việc giam xe vi phạm. Khi đó, người dân mới không còn trở thành nạn nhân của những chính sách chưa thực sự hợp lý và của những CSGT “ăn theo” chính sách đó.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm