Khi nông dân xắn tay áo làm người bào chữa

Điểm then chốt trong vụ án ông Đào Tất Quyền chính là quá trình xác định tỉ lệ thương tích của bị hại có quá nhiều sai sót. Và người tìm ra những “góc khuất” trên lại là một nông dân - ông Đào Tất Quế, 67 tuổi, anh họ và là người bào chữa cho ông Quyền.

Kể với PV, ông Quế cho biết để tìm được các tài liệu chứng minh việc giám định thương tích không chính xác, ông đã mất rất nhiều thời gian, công sức, mò mẫm từng trang giấy của hồ sơ bệnh án.

Vốn là nông dân, quanh năm làm bạn với đồng ruộng, những thuật ngữ chuyên ngành y tế đối với ông vô cùng xa lạ. Bởi vậy, để có kiến thức trong thời gian nhanh nhất, ông đã phải tìm đến một người bạn học đang làm trong ngành y. Với chồng hồ sơ nặng, ông nhiều lần lặn lội từ Hưng Yên sang Hà Nội để “học vỡ lòng”.

Ông Đào Tất Quế (giữa) kể lại hành trình thu thập chứng cứ để bào chữa cho em họ Đào Tất Quyền (trái). Ảnh: PVT

“Do bạn tôi công việc bận rộn, chỉ rảnh được vào buổi tối, có những hôm tôi bắt xe lên Hà Nội trong đêm, sau khi hỏi được những vấn đề chưa hiểu lại trở về Hưng Yên khi trời đã rạng sáng” - ông Quế kể.

Kiến thức hạn chế, việc liên hệ với bệnh viện để có được hồ sơ bệnh án của bị hại cũng không hề dễ dàng. Ông Quế phải nhờ sự trợ giúp của luật sư cùng tham gia bào chữa cho em họ mình thì phía bệnh viện mới đồng ý cung cấp tài liệu.

Có được hồ sơ, ông gác mọi công chuyện để lật giở từng trang, đối chiếu với những gì học được từ người bạn ngành y xem có điểm gì bất hợp lý hay không. Và kết quả là sau nhiều ngày ròng rã nghiên cứu, ông đã tìm ra hàng loạt sai sót trong việc giám định thương tật đối với bị hại.

“Bản kết luận pháp y nêu căn cứ để giám định là bản sao bệnh án số 29284/17 ngày 11-10-2017, tuy nhiên bản sao bệnh án của bị hại mà phía bệnh viện cung cấp cho tôi lại có số bệnh án hoàn toàn khác. Sổ khám bệnh không có dấu treo của bệnh viện, không có lời dặn dò cũng như hướng dẫn dùng thuốc hoặc hẹn ngày tái khám của bác sĩ. Phiếu phẫu thuật lại có trước cả tiếng đồng hồ so với phiếu yêu cầu phẫu thuật. Bệnh nhân vào rồi ra viện chỉ trong vòng 43 phút nhưng đã kịp chụp X-quang hai lần và bó bột… là rất vô lý. Các phiếu chụp X-quang trong hồ sơ vụ án khác với phiếu chụp do bệnh viện cung cấp; một bên do hai bác sĩ khác nhau ký và kết luận khác nhau, một bên chỉ có tên bác sĩ nhưng không hề có chữ ký…” - ông Quế kể rành rọt như một người làm trong ngành y.

Những sự vô lý này đã được ông Quế cùng luật sư bào chữa cho ông Quyền trình bày nhiều lần tại các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm. Dù vậy, tất cả những gì ông nêu ra đều không được hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm chấp nhận. Mãi cho đến khi TAND Tối cao vào cuộc, những bất hợp lý ấy mới được chỉ ra trong kháng nghị giám đốc thẩm…\

  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm