Vụ án giả mạo trong công tác xảy ra tại Trường ĐH Đông Đô đang thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận. Trong đó, tình tiết “cựu hiệu trưởng Trường ĐH Đông Đô Dương Văn Hòa khẳng định chỉ làm theo chỉ đạo của chủ tịch HĐQT, nếu không ký vào các văn bằng giả thì sẽ bị đuổi việc” thực sự tạo cho dư luận sự bức xúc và bàng hoàng.
Tình tiết này cùng mô-típ với rất nhiều lời khai của các vị cán bộ trong các vụ án về tham nhũng mà người dân đã chứng kiến gần đây. Liệu lời bào chữa “không ký sẽ bị đuổi việc” có thuyết phục hay không? Câu trả lời là: Không!
Các bị cáo trong phiên xử vụ giả mạo trong công tác xảy ra tại Trường ĐH Đông Đô. Ảnh: TP
Dưới góc độ xã hội, việc nể nang, sợ bị đuổi việc nếu không thực hiện theo yêu cầu của cấp trên có lẽ không hiếm gặp, dù làm việc cho khu vực công lập hay tư nhân. Tâm lý này là dễ hiểu vì theo nguyên tắc thì cấp dưới phải phục tùng cấp trên. Tuy nhiên, cũng cần khẳng định rằng nguyên tắc phục tùng cấp trên không đồng nghĩa với việc bất chấp các giá trị về đạo đức và pháp luật.
Dưới góc độ luật pháp, việc thực hiện nhiệm vụ theo mệnh lệnh cấp trên cần phải được hiểu đó là những nhiệm vụ hợp pháp và chính đáng theo chức trách, nhiệm vụ được giao. Trong lĩnh vực công, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thi hành công vụ hay khi thực hiện nghề nghiệp đều phải tuân thủ pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật (Điều 3 Luật Cán bộ, công chức; Điều 5 Luật Viên chức). Trong lĩnh vực tư, việc thực hiện công việc phải tuân theo quy định của pháp luật và điều lệ của tổ chức đó (ví dụ cụ thể trong lĩnh vực giáo dục, quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của hiệu trưởng tại Điều 20 Luật Giáo dục đại học). Như vậy, pháp luật luôn là “cấp trên” cao nhất của mọi công việc.
Trong pháp luật hình sự, khi thực hiện hành vi trái pháp luật, dù là theo yêu cầu của người khác thì người thực hiện hành vi đó vẫn phải chịu trách nhiệm pháp lý. Đó là lý do vì sao Bộ luật Hình sự có quy định về đồng phạm: “1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. 2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. 3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức. Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm. Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm. Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm. 4. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.” (Điều 17 Bộ luật Hình sự).
Ở đây, rõ ràng pháp luật đã dự liệu trước các tình huống pháp lý cho các hành vi phạm tội, nếu không có thể sẽ bỏ lọt rất nhiều tội phạm vì lý do thực hiện công việc theo mệnh lệnh cấp trên, bất chấp mệnh lệnh đó là sai trái.
Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức cũng như Bộ luật Lao động đã có những quy định rất cụ thể để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện công việc và nghề nghiệp của mình. Luật Tố cáo qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung cũng đã có những quy định khá phù hợp. Tuy nhiên, trên thực tế, có lẽ vẫn chưa đủ để hạn chế tình trạng sợ bị đì hay sợ bị đuổi việc vì làm trái ý cấp trên khi không thực hiện theo yêu cầu trái pháp luật của họ.
Việc tố cáo hành vi sai trái của cấp trên một cách kịp thời vẫn còn bị dư luận nhìn vào với cái nhìn không thiện cảm một khi danh tính bị tiết lộ (mặc dù Luật Tố cáo có quy định về quyền được đảm bảo bí mật họ tên người tố cáo nhưng cũng quy định người tố cáo phải cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân trong đơn tố cáo - Điều 9 và Điều 23 Luật Tố cáo). Điều này tạo nên tâm lý e dè, không dám phản ứng khi thấy điều sai của cấp trên. Có lẽ vẫn cần có một cơ chế phù hợp hơn để hạn chế tình trạng trên.
Chuyên viên đề xuất đúng nên không bị khởi tố Trong án vụ ông Nguyễn Hữu Tín (cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM) cùng các đồng phạm trong vụ giao đất tại 15 Thi Sách, quận 1 cho Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 (do Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm”, làm chủ tịch HĐQT) cũng đã từng xảy ra trường hợp cấp trên chỉ đạo cấp dưới. Tuy nhiên, nữ chuyên viên của Sở TN&MT là bà LC ngay từ đầu đã đề xuất là lô đất trên phải mang ra đấu giá, sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng phải xin ý kiến của Thủ tướng. Trong vụ án này, bà LC có chức vụ thấp nhất nhưng lại là người đề xuất đúng nhất. Các bị cáo (nay đã là bị án, đang chấp hành hình phạt tù) khác có chức vụ, quyền hạn, trách nhiệm cao hơn lại không làm đúng. Chính vì vậy, bà LC không bị xử lý trách nhiệm hình sự. |