Chiều 23-8, TAND TP Đà Nẵng tuyên án sơ thẩm vụ kỳ án buôn lậu của Công ty Ngọc Hưng (Quảng Trị) kéo dài gần bảy năm qua. Đại biểu Hoàng Đức Thắng, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, tiếp tục tham dự phiên tòa.
Theo đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Trương Huy Liệu (nguyên phó giám đốc Công ty Ngọc Hưng) một năm 16 ngày tù; bị cáo Trần Thị Dung (giám đốc Công ty Ngọc Hưng) chín tháng tù treo, thời gian thử thách 18 tháng về tội buôn lậu. Tuyên phạt các bị cáo Đỗ Lý Nhi và Lê Xuân Thành chín tháng tù treo, thời gian thử thách 18 tháng; Đỗ Danh Thắng sáu tháng tù treo, thời gian thử thách 12 tháng về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Các bị cáo tại tòa.
Về số tiền bán đấu giá lô gỗ (gần 64 tỉ đồng), HĐXX xét thấy chỉ có căn cứ xác định bị cáo Liệu, Dung buôn lậu 21,506 m3 gỗ giáng hương (trị giá gần 1,2 tỉ đồng) nên tuyên phạt tịch thu, sung công quỹ nhà nước số tiền gần 1,2 tỉ đồng. Số tiền còn lại không liên quan đến hành vi phạm tội của các bị cáo nên cần trả lại cho Công ty Ngọc Hưng (hơn 62,6 tỉ đồng).
Cạnh đó, HĐXX nhận định trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan CSĐT cũng như Cục Điều tra chống buôn lậu có một số vi phạm trong tố tụng hình sự. Cụ thể, quá trình điều tra, anh Trần Đình Quang (người có quyền lợi, trách nhiệm liên quan) đã tự tử và để lại di thư kể lại việc bị ép cung nhưng cơ quan điều tra chưa làm rõ việc này.
Do đó, HĐXX kiến nghị Bộ Công an, VKSND Tối cao xem xét, chỉ đạo tiếp tục làm rõ việc anh Quang có bị ép cung hay không. Đồng thời, kiến nghị Bộ Công an xử lý trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị liên quan đến việc làm thất lạc biên bản lời khai ngày 20-5-2013 của anh Trần Đình Quang.
Thứ hai, HĐXX cho rằng khi thu giữ lô hàng, việc Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan không lập biên bản thu giữ tang vật theo quy định đã gây khó khăn cho cơ quan điều tra trong quá trình xác định số lượng, chủng loại, hàng hóa vi phạm của Công ty Ngọc Hưng. Do đó, kiến nghị Tổng cục Hải quan xem xét, xử lý trách nhiệm các cá nhân, đơn vị liên quan đến vấn đề trên.
Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng tham dự phiên tòa chiều nay.
Đối với lô gỗ là vật chứng của vụ án, HĐXX nhận định không thuộc hàng dễ hư hỏng hay khó quản lý. Việc vụ án đang trong quá trình điều tra nhưng cơ quan điều tra cho bán lô gỗ là không đúng với quy định của pháp luật, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án, có dấu hiệu xâm phạm đến hoạt động tư pháp. Do đó, HĐXX kiến nghị Cục Điều tra của VKSND Tối cao khởi tố vụ án hình sự về hành vi bán tang vật để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, tháng 12-2011, bị cáo Liệu đã chỉ đạo các cá nhân trong công ty làm giả hồ sơ, tài liệu để nhập khẩu lậu gỗ từ Lào về Việt Nam rồi xuất khẩu đi Trung Quốc với khối lượng gần 614,7 m3 gỗ, trị giá hơn 63,6 tỉ đồng. Bị cáo Dung đã ký các hồ sơ, giấy tờ giả mạo để làm thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu lậu gỗ, đồng thời giúp sức cho Liệu buôn lậu.
Các bị cáo Nhi, Thành (nguyên công chức hải quan Chi cục Hải quan cảng Cửa Việt) được giao nhiệm vụ kiểm hóa lô hàng gỗ xuất khẩu của Công ty Ngọc Hưng nhưng họ không thực hiện đúng các quy định về địa điểm, trình tự, thủ tục kiểm tra hàng hóa xuất khẩu nên đã đề xuất cho thông quan lô hàng gỗ lậu. Bị cáo Thắng (nguyên chi cục trưởng Chi cục Hải quan cảng Đà Nẵng) được giao nhiệm vụ tổ chức khám xét theo thủ tục hành chính đối với lô hàng gỗ xuất khẩu có vi phạm của Công ty Ngọc Hưng. Tuy nhiên, bị cáo không thực hiện đúng và đầy đủ các quy định nên đã không phát hiện được hành vi buôn lậu.
Cáo trạng cho rằng hành vi của các bị cáo trên đã gây thất thu, thiệt hại cho ngân sách nhà nước, số tiền thuế Công ty Ngọc Hưng không nộp là gần 1,9 tỉ đồng. Liệu là người tổ chức, Dung là người giúp sức. Các bị cáo Nhi, Thắng, Thành thiếu trách nhiệm trong khi thi hành công vụ để Liệu và Dung buôn lậu. Đối với lô gỗ là tang vật vụ án, CQĐT đã ra quyết định bán đấu giá tài sản. Số tiền còn lại sau khi trừ các chi phí là hơn 60,8 tỉ đồng.