Trong khi chờ các cơ quan tố tụng điều tra, truy tố và xét xử, chúng ta cùng nhìn nhận về một tội danh ít gặp mà bị can Chung và đồng phạm đang vướng vào.
Theo thông tin từ Bộ Công an, ông Nguyễn Đức Chung cùng hai thuộc cấp của ông và một cán bộ công an đã bị khởi tố, tạm giam về tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước, tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước. Trong số đó, có một bị can từng làm ở phòng thư ký - biên tập, tổ giúp việc UBND TP Hà Nội; một bị can là tài xế, đồng thời là chuyên viên phòng này. Bị can còn lại thì từng là cán bộ của C03, Bộ Công an.
Báo chí ghi nhận ông Chung và đồng phạm đã chiếm đoạt tài liệu liên quan đến vụ án Nhật Cường. Nói đầy đủ, đây là vụ án buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán, rửa tiền, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường… Vụ án này là một trong những đại án kinh tế, được Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.
Tội danh của các bị can được quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự hiện hành như sau:
“1. Người nào cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp phạm tội gián điệp thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ năm năm đến 10 năm: a) Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn… 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm: a) Có tổ chức; b) Bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật… 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
Có thể nhận thấy đối tượng bị tội này xâm hại chính là trật tự quản lý hành chính, bí mật nhà nước trong các lĩnh vực như: chính trị, đối ngoại, kinh tế, quốc phòng... Về dấu hiệu phạm tội, “cố ý làm lộ bí mật nhà nước” là cố ý làm cho nhiều người không có trách nhiệm biết được bí mật nhà nước.
Đối với hành vi “chiếm đoạt vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước”, người phạm tội đã sử dụng những thủ đoạn để trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt, dùng vũ lực hoặc đe dọa người có thẩm quyền hoặc có các thủ đoạn gian dối khác để có được tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước…
Xem kỹ nữa, mức hình phạt thấp (thấp nhất là hai năm tù), cao (cao nhất là 15 năm tù) ở tội này sẽ được các tòa án quyết định tùy thuộc vào độ mật của các tài liệu, vật bị cố ý làm lộ hay bị chiếm đoạt.
Luật Bảo vệ bí mật nhà nước có nhiều quy định liên quan về việc này. Theo đó, bí mật nhà nước chính là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của luật này, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Bí mật nhà nước được phân loại thành ba độ mật là tuyệt mật, tối mật và mật.
Độ tuyệt mật là bí mật nhà nước liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, đối ngoại, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đặc biệt nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Độ tối mật là bí mật nhà nước liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, lập hiến, lập pháp, tư pháp, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao, y tế…, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại rất nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Độ mật là bí mật nhà nước liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, lập hiến, tài nguyên và môi trường, khoa học và công nghệ, thông tin và truyền thông…, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Còn nhớ ở loại tội không phổ biến mà chủ thể phạm tội là bất kỳ ai này, bị án Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) từng gây lạ khi là doanh nhân mà lại bị buộc tội làm lộ bí mật nhà nước. Đối với trường hợp của ông Chung cùng đồng phạm, cùng chờ cơ quan điều tra sớm đưa ra kết luận họ đã chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước như thế nào, bí mật thuộc độ gì…, tức khác gì so với bị án Phan Văn Anh Vũ.