Pháp lý vụ bắt giữ Tiến sĩ Phạm Đình Quý

Như PLO đã thông tin, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra thông báo về việc bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với TS Phạm Đình Quý (võ sư, giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng).
Trước đó, ngày 19-9, công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố vụ án vu khống theo Điều 156 BLHS. Ông Quý được xác định là đã có hành vi phát tán tài liệu nhằm hạ thấp uy tín, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Hiện ông Quý đang bị tạm giữ tại công an tỉnh này.

TS Phạm Đình Quý (võ sư, giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng)

Quy định về tội vu khống
Theo Điều 156 BLHS thì người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây sẽ bị xử lý về tội vu khống:
a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
Người phạm tội này tùy theo tính chất, mức độ có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
Người phạm tội bị phạt tù từ 1-3 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: có tổ chức; sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%…
Người phạm tội bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm nếu thuộc một trong các trường hợp: vì động cơ đê hèn; gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; làm nạn nhân tự sát.

Thông báo của CQĐT Công an tỉnh Đắk Lắk về việc bắt giữ ông Quý.

Quy định về giữ người trong trường hợp khẩn cấp
Theo thông tin từ Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk, cơ quan này đã bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với TS Phạm Đình Quý. Điều này được hiểu trước đó ông Quý đã bị giữ trong trường hợp khẩn cấp.
Theo khoản 1 Điều 110 BLTTHS, việc giữ người chỉ khi thuộc một trong các trường hợp khẩn cấp sau đây:
a) Có đủ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
b) Người cùng thực hiện tội phạm hoặc bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;
c) Có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở hoặc nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.
Tội vu khống theo Điều 156 BLHS có khung hình phạt cáo nhất đến 7 năm tù nên không thuộc tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Theo những thông tin ban đầu, ông Quý cũng không thuộc trường hợp “Người cùng thực hiện tội phạm hoặc bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn” như ở điểm b khoản 1 Điều 110 BLTTHS trên đây.
Vì vậy, có thể suy ra ông Quý bị giữ trong trường hợp khẩn cấp thuộc trường hợp còn lại, tức “Có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở hoặc nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ”.
Quy định về bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp
Theo khoản 4 Điều 110 BLTTHS, thời hạn để giữ người trong trường hợp khẩn cấp là 12 giờ. Sau đó, cơ quan tố tụng phải ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ hoặc trả tự do ngay cho người đó. Ở đây, CQĐT đã ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với ông Quý.
Theo Điều 118 BLTTHS, thời hạn tạm giữ (hình sự) là 3 ngày, sau đó có thể gia hạn 2 lần, mỗi lần không quá 3 ngày. Như vậy, thời hạn tạm giữ hình sự tối đa là 9 ngày.
Trong thời hạn tạm giữ này, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì CQĐT phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ. Nếu đủ căn cứ CQĐT ra quyết định khởi tố bị can.
Việc khởi tố bị can không đồng nghĩa với việc người đó mặc nhiên bị tạm giam, bởi khi xét thấy không cần thiết, cơ quan tố tụng vẫn có thể cho người đó được tại ngoại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm