Sau sự cố chạy thận khiến chín người chết tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình, bên cạnh hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, số phận pháp lý của Hoàng Công Lương có lẽ là vấn đề gây tranh cãi hơn cả.
Với hai phiên tòa sơ thẩm, một phiên tòa phúc thẩm cùng nhiều lần hoãn xử, diễn biến vụ án đã phát triển theo một hướng ít ai ngờ tới.
Bất ngờ đầu tiên là việc hàng loạt lãnh đạo BV đa khoa tỉnh Hòa Bình cùng giám đốc Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn phải hầu tòa. Trong phiên sơ thẩm lần đầu, khi họ chưa phải là bị cáo, rất nhiều câu hỏi tại sao không truy cứu trách nhiệm những người này được đặt ra.
Bất ngờ thứ hai và có lẽ lớn nhất chính là sự thay đổi nhận thức của chính bị cáo Hoàng Công Lương. Kết thúc phiên sơ thẩm lần hai, Lương vẫn luôn khẳng định mình vô tội nhưng rồi bị cáo này đã từ chối tất cả luật sư từng bào chữa cho mình theo hướng đó để mời một luật sư hoàn toàn mới, bào chữa theo một hướng mới - xin giảm nhẹ hình phạt.
Trải qua các phiên tòa, mức độ tự bào chữa của Lương cũng giảm dần. Phiên sơ thẩm lần đầu, Lương nói rất nhiều để chứng minh mình chỉ là bác sĩ cứu chữa bệnh nhân, không thể biết nguồn nước có đảm bảo hay không.
Phiên sơ thẩm lần hai, Lương gần như ủy quyền toàn bộ cho các luật sư. Báo chí cũng khó tiếp cận và phỏng vấn cựu bác sĩ này hơn. Và đến phiên phúc thẩm hôm qua, 12-6, lần đầu tiên Lương chính thức thừa nhận mình có tội, đã “vô ý”, “cẩu thả” như cơ quan tố tụng quy kết.
Suốt quá trình vụ án diễn ra, dư luận tạo nên một làn sóng mạnh mẽ ủng hộ Lương vô tội, nhiều tổ chức lên tiếng, thậm chí cơ quan ngành dọc cao nhất của bị cáo cũng lên tiếng bênh vực cho nhân viên của mình.
Không biết với bước ngoặt về nhận thức mới nhất của Lương, rằng chính Lương thừa nhận mình có tội, cùng sự thay đổi tương tự của đại diện các gia đình bị hại, làn sóng tranh cãi đó liệu có còn…