Tình trạng đi vệ sinh không đúng nơi quy định diễn ra khá phổ biến, nhất là tại các đô thị lớn. Hành vi này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn làm mất mỹ quan đô thị. Nhưng điều đáng nói, chế tài xử phạt việc tè bậy lại đang được điều chỉnh bởi hai quy định với hai mức tiền phạt chênh nhau khá lớn.
Người bị phạt 200 ngàn, kẻ bị 2 triệu
Cụ thể, theo Điều 7 Nghị định 167/2013 của Chính phủ (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội) thì hành vi tè bậy bị phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng. Trong khi theo Điều 20 Nghị định số 155/2016 (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường), hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng.
Chẳng hạn, tháng 2-2016, Công an phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội đã ra quyết định xử phạt anh T. (trú phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng) 200.000 đồng theo điểm c khoản 1 Điều 7 Nghị định 167/2013. Anh T. là người đàn ông mặc vest bước ra từ ô tô, thản nhiên tiểu tiện giữa đường Huỳnh Thúc Kháng (phường Láng Hạ, quận Đống Đa) được chia sẻ và lên án mạnh trên các trang mạng xã hội thời điểm đó.
Tháng 6-2019, clip hai người phụ nữ dùng mũ bảo hiểm che camera trong thang máy tại chung cư Gelexia Riverside (quận Hoàng Mai, Hà Nội) để đi tiểu bậy cũng khiến cư dân mạng bức xúc. Sau khi kiểm tra, trích xuất camera giám sát, đơn vị quản lý tòa nhà phát hiện hai vị khách nữ đến một căn hộ tại tầng 27 của tòa nhà chơi. Cuối cùng, chủ căn hộ đã bị phạt 2 triệu đồng theo khoản 1 Điều 20 Nghị định 155/2016...
Theo bà Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng phòng Công tác thi hành pháp luật và quản lý xử lý vi phạm hành chính, Sở Tư pháp TP.HCM, tùy theo chủ thể có thẩm quyền xử phạt, phát hiện hành vi vi phạm mà có thể áp dụng chế tài tại hai nghị định. Nếu lực lượng công an phát hiện thì sẽ xử phạt theo Nghị định 167/2013. Nếu công chức cấp nào phụ trách về môi trường phát hiện thì chủ tịch UBND cấp đó sẽ ra quyết định xử phạt theo Nghị định 155/2016.
Nhưng điều này có thể gây lúng túng cho chủ thể có thẩm quyền xử phạt vì sự chồng chéo, trùng lặp và mức phạt tiền là chênh nhau khá nhiều.
Ảnh chụp từ camera ghi lại hình ảnh ông T. tè bậy giữa đường (ảnh trên) và hai phụ nữ tè trong thang máy chung cư tại Hà Nội.
Áp dụng quy định ban hành sau
Cũng theo bà Liên, không phải lúc nào cùng một hành vi có thể bị xử phạt bởi nhiều nghị định khác nhau cũng là bất cập. Bởi tùy vào phạm vi, mức độ ảnh hưởng của hành vi đó gây ra mà áp dụng nghị định chuyên ngành hơn để xử phạt. Có thể kể đến như cùng một hành vi gây rối trật tự công cộng, nhưng gây rối ở đường phố sẽ áp dụng nghị định khác để xử phạt so với hành vi gây rối ở sân bay.
Đã kiến nghị lên Bộ Tư pháp Riêng chế tài xử phạt đối với hành vi tè bậy đang có sự chưa thống nhất trong mức xử phạt. Sở Tư pháp cũng đã tiến hành rà soát sự bất cập này cùng với các nội dung khác đang có mâu thuẫn chồng chéo để kiến nghị cấp trên theo thẩm quyền. Hiện Bộ Tư pháp cũng đã tổng hợp các kiến nghị này và có ý kiến với các cơ quan ban hành văn bản. Bà NGUYỄN THỊ KIM LIÊN Trưởng phòng Công tác |
ThS Lưu Minh Sang, giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, cho rằng việc chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật là trở lực lớn cho công tác thực thi. Hệ quả là cùng một hành vi nhưng thẩm quyền xử phạt lại được nhiều chủ thể khác nhau thực hiện và tạo ra sự lúng túng đối với các cơ quan thực thi về mức xử phạt.
theo ThS Minh Sang, các cơ quan thực thi cần áp dụng các nguyên tắc tại Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Theo đó, thứ nhất là nguyên tắc luật chuyên ngành phải được ưu tiên áp dụng so với luật chung.
Thứ hai, trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Thứ ba, nếu các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.
ThS Minh Sang nói: “Hành vi tiểu bậy nên xem xét dưới dạng vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nên ưu tiên áp dụng Nghị định 155/2016. Hơn nữa, giữa các nghị định điều chỉnh cùng một vấn đề đều do Chính phủ ban hành thì Nghị định 155/2016 là nghị định ban hành sau, nên cần ưu tiên áp dụng so với Nghị định 167/2013”.
Xả rác nơi công cộng có thể bị phạt bởi ba nghị định Không chỉ riêng tè bậy, hành vi xả rác nơi công cộng có thể bị phạt từ 300.000 đến 400.000 đồng (theo Điều 12 Nghị định 46/2016, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt). Người vi phạm cũng có thể bị phạt 1-2 triệu đồng (theo Điều 7 Nghị định 167/2013) hoặc bị phạt 5-7 triệu đồng (theo Điều 20 Nghị định 155/2016). Mới đây, tại hội thảo đánh giá chất lượng xây dựng và ban hành quyết định hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn TP.HCM do Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) tổ chức đã chỉ ra những bất cập này. Từ tổng hợp thực tế, cơ quan có thẩm quyền sẽ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung trong việc tham mưu, xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật xử lý vi phạm hành chính. |