Trong đơn khởi kiện, chị K. trình bày chị và anh H. cưới nhau năm 1997 nhưng đến năm 2002 mới đăng ký kết hôn. Thời gian chung sống, anh H. hay chửi mắng, đánh đập, có lần chị phải bỏ về bên mẹ ruột. Sau đó chị quay lại với mong muốn cho anh H. cơ hội sửa đổi tính tình nhưng vẫn đâu vào đó. Chị đã sống ly thân với anh H. từ tháng 4-2017, nay xin ly hôn.
Chia tài sản chung khi ly hôn
cả hai có hai con chung, một đã trưởng thành, còn đứa nhỏ sinh năm 2010 đang sống với mẹ. chị K. yêu cầu được tiếp tục nuôi con, anh H. phải cấp dưỡng 1 triệu đồng/tháng. Hai người có tài sản chung là hơn 1.100 m2 đất (trên đất có nhà, chuồng trại nuôi heo) do cha mẹ anh H. cho và anh H. đứng tên. Một số tài sản khác hai bên tự thỏa thuận. số nợ chung gần 900 triệu đồng thì mỗi người chịu phân nửa.
Tại tòa, anh H. thừa nhận có hay chửi mắng chị K. nhưng vẫn còn thương vợ con. Nếu chị K. cương quyết ly hôn thì anh yêu cầu được nuôi con không cần cấp dưỡng. Về tài sản chung và nợ chung, anh H. thống nhất với trình bày của chị K. Riêng mảnh đất là tài sản riêng do cha mẹ cho riêng nên anh H. không đồng ý chia.
Xử sơ thẩm, TAND huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre) chấp nhận yêu cầu ly hôn, chị K. được quyền nuôi con chung. Tài sản là lô đất tòa áp dụng Án lệ số 03 của TAND Tối cao, cho đây là tài sản chung của vợ chồng. Do nguồn gốc đất là của cha mẹ anh H. nên anh H. được chia 60% giá trị, còn chị K. được 40% giá trị đất. Tòa cho anh H. được quản lý sử dụng, đất và có nghĩa vụ giao lại cho chị K. phần giá trị tương đương với 40% mảnh đất. Ngoài ra, hai người phải có trách nhiệm trả phần nợ chung.
Anh H. kháng cáo cho rằng mảnh đất là tài sản riêng của anh nên anh phải hưởng trọn trong khi chị K. kháng cáo yêu cầu được chia 50% giá trị đất. VKS huyện thì kháng nghị vì phần nợ chung chị K. phải trả hơn 378 triệu đồng, anh H. phải trả hơn 390 triệu đồng nhưng tòa không buộc hai người nộp phần án phí là thiệt hại cho Nhà nước.
Hiểu sai án lệ
Xử phúc thẩm mới đây, TAND tỉnh Bến Tre nhận định cấp sơ thẩm áp dụng Án lệ số 03, cho rằng nguồn gốc đất là của cha mẹ anh H. cho nhưng hai người đã sử dụng đất trên 21 năm có cất nhà, xây dựng công trình để cho đây là tài sản chung của vợ chồng là không phù hợp với nội dung Án lệ số 03.
Nội dung Án lệ số 03 quy định: “Cha mẹ đã cho vợ chồng người con một diện tích đất và vợ chồng người con đã xây dựng, nhà kiên cố trên diện tích đất đó để làm nơi ở, khi vợ chồng người con xây dựng nhà thì cha mẹ và những người khác trong gia đình không có ý kiến phản đối gì; vợ chồng người con đã sử dụng nhà, đất liên tục, công khai, ổn định và đã tiến hành việc kê khai đất, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải xác định vợ chồng người con đã được tặng cho quyền sử dụng đất”.
Trong khi theo hồ sơ, diện tích đất trên có nguồn gốc từ một thửa cũ có diện tích 1.250 m2 được UBND huyện cấp cho cha anh H. Năm 2006, anh H. được cha anh chuyển quyền sử dụng cho anh đứng tên. Năm 2014, anh H. đề nghị cấp đổi giấy đỏ từ thửa cũ sang thửa mới vẫn do anh H. đứng tên. Như vậy, suốt quá trình được tặng cho, anh H. vẫn là người đứng tên trên giấy đỏ mà chị K. không có ý kiến gì nên mặc nhiên thừa nhận đây là tài sản riêng của anh H. Do đó, kháng cáo của anh H. là có cơ sở chấp nhận. Kháng cáo của chị K. là không được chấp nhận.
Tuy nhiên, theo HĐXX, cũng cần xét một phần công sức đóng góp của chị K. vào phần tài sản chung này. Tại tòa phúc thẩm, anh H. cũng thừa nhận khi vợ chồng được cha mẹ cho ra ở riêng, chị K. cùng anh tu bổ, bồi đắp để trồng cây, xây dựng chuồng trại. Vì vậy nên xem xét chia cho chị K. 20% diện tích đất.
Ngoài ra, phần tuyên buộc về án phí, cấp sơ thẩm không tuyên buộc phần án phí hai người trả nợ chung nên kháng nghị của VKSND huyện là có căn cứ. Cuối cùng HĐXX tuyên sửa án sơ thẩm, công nhận hơn 1.100 m2 là tài sản riêng của anh H., chị K. được 20% công sức đóng góp; buộc chị K., anh H. phải nộp án phí về phần nợ chung.