VKSND TP.HCM vừa có quyết định kháng nghị bản án tranh chấp ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn của TAND quận 1, TP.HCM theo thủ tục phúc thẩm về phần chia tài sản chung. Ngoài kháng nghị thì cả hai bên đương sự cùng kháng cáo bản án sơ thẩm này.
Ai cũng muốn lấy nhà
Bà H. và ông C. đăng ký kết hôn vào năm 2010. Năm 2014, bà H. đứng tên hợp đồng công chứng mua căn nhà ở phường Cô Bắc, quận 1, TP.HCM với giá 14 tỉ đồng. Sau đó, UBND quận 1 cập nhật tên của hai vợ chồng vào giấy hồng căn nhà. Tháng 8-2014, vợ chồng bà H. thế chấp giấy tờ nhà để vay ngân hàng 9 tỉ đồng trả nợ.
Năm 2015, bà H. có đơn yêu cầu được ly hôn ông C. với lý do bất đồng quan điểm sống. Bà H. yêu cầu tòa giải quyết cho mình được ly hôn với ông C., con chung thì giao cho ông C. nuôi (bà cấp dưỡng 100.000 đồng/tháng). Về tài sản chung là căn nhà nói trên bà H. yêu cầu được hưởng trị giá nhà đất 80%, ông C. 20%.
Bà cho rằng bà mua nhà bằng tiền tiết kiệm của mình là 3,5 tỉ đồng và tiền tự vay thêm của người khác. Bà H. cũng yêu cầu tòa cho bà được sở hữu ngôi nhà và chịu trách nhiệm thanh toán nợ chung. Nếu giá trị ngôi nhà sau khi chia không đủ để thanh toán nợ thì hai bên phải tiếp tục liên đới trả số nợ còn lại.
Về phần mình, ông C. không đồng ý chia tài sản theo tỉ lệ 20/80 vì cho rằng tiền mua nhà là tiền chung của vợ chồng. Theo ông C., nhà đứng tên chung vợ chồng (gồm giấy hồng, giấy phép xây dựng cho hợp đồng vay tiền) nên đây là tài sản chung. Ông cũng đề nghị tòa giao ngôi nhà cho mình được sở hữu và ông sẽ thanh toán các khoản nợ chung.
Tháng 10-2017, TAND quận 1, TP.HCM xử sơ thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu của bà H. cho bà được ly hôn với ông C., giao con chung cho ông C. nuôi. Về tài sản chung, tòa chia cho bà H. 80%, ông C. 20% giá trị căn nhà. Tòa cũng giao căn nhà cho bà H. và ghi nhận bà H. chịu trách nhiệm ưu tiên thanh toán nợ cho các chủ nợ và ngân hàng. Bà H. cũng có nghĩa vụ hoàn lại 20% số tiền chênh lệch giữa giá trị căn nhà cho ông C. (theo thẩm định giá toàn bộ căn nhà có giá hơn 19 tỉ đồng).
Ngoài ra, tòa còn tuyên nếu các chủ nợ không thống nhất thực hiện phương án trên và phát sinh tranh chấp thì họ được quyền khởi kiện bà H., ông C. bằng vụ án khác.
VKS nói tòa xử sai
Tuy nhiên, sau đó VKSND TP.HCM kháng nghị bản án sơ thẩm về phần chia tài sản và xử lý nợ chung.
Theo VKSND TP, cấp sơ thẩm chưa xác minh làm rõ lời khai bà H. về số tiền mua nhà 3,5 tỉ đồng là tiền tiết kiệm riêng của bà H. hay lợi nhuận kinh doanh của ông C. từ việc kinh doanh khách sạn để xem xét đây tài sản chung hay riêng.
Bà H. đứng tên đặt cọc mua và ký hợp đồng mua bán nhà nhưng khi đăng bộ cập nhật trong giấy chứng nhận, giấy phép xây dựng, ký hợp đồng thế chấp vay tiền và các khoản vay khác đều đứng tên vợ chồng. Các thời điểm này bà H. không có khiếu nại gì.
Theo VKS, trong khi chưa rõ đây là tài sản chung của vợ chồng hay là tài sản riêng của bà H. mà cấp sơ thẩm lại chia cho bà H. hưởng 80%, ông C. hưởng 20% là chưa đảm bảo quyền lợi cho các bên. Chưa kể tòa không tuyên số tiền cụ thể mỗi bên hưởng là bao nhiêu. Ngoài ra, bản án giao nhà cho bà H. mà không nói rõ giao cho bà H. quản lý, sử dụng hay được quyền sở hữu, điều này sẽ gây khó khăn cho việc thi hành án.
VKS cũng nhận định các chủ nợ của bà H. và ông C. cũng như ngân hàng không yêu cầu giải quyết thanh toán nợ trong vụ kiện này, phía ông C. cũng không thừa nhận khoản nợ chung. Nhưng bản án sơ thẩm lại ghi nhận sự tự nguyện của bà H. chịu trách nhiệm thanh toán nợ cho các chủ nợ nói trên là vượt quá yêu cầu của đương sự trong vụ án.
Mặt khác, bản án sơ thẩm ghi nhận sự tự nguyện bà H. ưu tiên thanh toán nợ cho các chủ nợ. Nhưng tòa lại cũng dành quyền cho các chủ nợ được quyền khởi kiện bằng vụ án khác nếu không thống nhất thực hiện và phát sinh tranh chấp là có mâu thuẫn và không thực hiện được.
Nguyên tắc chia tài sản của vợ chồng 2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây: a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập; c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng. 3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch. 4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của luật này. Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác. (Trích khoản 2, 3, 4 Điều 59 |