TAND TP.HCM sắp xử sơ thẩm lại vụ tranh chấp thừa kế giữa bà Đào Mỹ với ông Nguyễn Ngọc Thành, do bản án sơ thẩm lần thứ nhất bị TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên hủy với nhiều vi phạm tố tụng, trong đó có lý do khá hy hữu là thời gian tòa nghị án quá năm ngày.
Theo đơn kiện của bà Mỹ, bà và ông Nguyễn Văn Lý (trước đó ông Lý đã có hai vợ và năm người con) chung sống với nhau từ năm 1986, có một con chung. Năm 1980 ông Lý mua căn nhà số 71 Ngô Gia Tự, quận 10, TP.HCM. 10 năm sau ông Lý mua tiếp căn nhà số 211 Ngô Gia Tự, có đặt cọc 25 lượng vàng, số tiền còn lại ông Lý đưa cho bà Mỹ để trả tiếp vì ông bị bệnh nặng. Ngay sau đó ông Lý mất và ông Thành (con trai của người vợ thứ nhất) đã đứng tên chủ quyền nhà số 211. Bà Mỹ đề nghị tòa xác định di sản ông Lý để lại là hai căn nhà trên và yêu cầu chia di sản theo pháp luật.
Phía ông Thành cho rằng sau khi ông Lý mất, căn nhà số 71 xuống cấp nên ông xây mới lại nên đề nghị tòa tính riêng phần giá trị vật liệu theo biên bản định giá năm 2009 là 752 triệu đồng. Phần giá trị đất của căn nhà này, ông Thành xin hoàn lại cho các đồng thừa kế theo phân chia của tòa. Với nhà số 211 thì ông Thành yêu cầu tòa xác định sở hữu riêng cho ông…
Đầu năm 2015 TAND TP.HCM xử sơ thẩm, tuyên chấp nhận một phần yêu cầu của bà Mỹ. Tòa xác định di sản của ông Lý để lại là căn nhà số 71 và một phần căn nhà số 211, ông Lý có tám người thừa kế trong đó có bà Mỹ và ông Thành. Từ đó tòa tuyên mỗi người được hưởng phần di sản trị giá hơn 1,1 tỉ đồng. Sau đó nhiều người liên quan có đơn kháng cáo. Bà Mỹ kháng cáo yêu cầu tòa xác định nhà số 211 là của ông Lý để bà được chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bằng hiện vật là 1/2 căn nhà.
Tại phiên xử phúc thẩm vào tháng 9-2016, đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM đề nghị tòa tuyên hủy án vì cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng tố tụng.
HĐXX chấp nhận đề nghị này và cho rằng tòa sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là thời gian nghị án quá năm ngày là vi phạm điều 236 BLTTDS. Tòa sơ thẩm xác định di sản là căn nhà số 71 và một phần căn nhà số 211, nguyên đơn, bị đơn yêu cầu được nhận di sản là nhà, đất và hoàn tiền cho các đồng thừa kế còn lại. Lẽ ra tòa sơ thẩm phải định giá nhà, đất nêu trên, sau đó xem xét nhu cầu về nhà ở của các đương sự, từ đó giao cho họ và họ có nghĩa vụ hoàn tiền cho các thừa kế còn lại mới đúng. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm dùng biên bản định giá từ năm 2009, 2010 để chia thừa kế, trong khi thời điểm xét xử là năm 2015 khi giá trị nhà, đất có nhiều biến động.
Mặt khác, trong phần quyết định bản án sơ thẩm tuyên giao cho các đương sự trong thời hạn ba tháng kể từ ngày án có hiệu lực, được thỏa thuận tự bán nhà số 71 để phân chia. Nếu không thỏa thuận được, các đương sự có quyền yêu cầu thi hành án bán đấu giá, như vậy là gây khó cho cơ quan thi hành án vì rất khó thi hành và ảnh hưởng đến quyền lợi các đương sự. Trong khi sau khi xử sơ thẩm, nguyên đơn vẫn yêu cầu được nhận di sản là hiện vật và yêu cầu định giá lại nhà, đất.
Nếu cấp phúc thẩm tự cho định giá lại và xem xét nhu cầu về chỗ ở để giao thì sẽ làm mất quyền kháng cáo của các đương sự, không đảm bảo nguyên tắc hai cấp xét xử. Vì vậy cần phải hủy toàn bộ bản án để TAND TP.HCM xét xử lại từ đầu.