TP.HCM: Hòa giải thành hơn 83% các vụ việc ly hôn

Sáng 2-4 , TAND TP.HCM đã tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND hai cấp TP.HCM. Việc thực hiện thí điểm nếu tiếp tục phát huy được hiệu quả sẽ tiến tới việc ban hành luật và áp dụng rộng rãi trong cả nước theo tinh thần cải cách tư pháp.
“Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện việc thí điểm các trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án hai cấp của TP.HCM (trung tâm), nhưng kết quả bước đầu đạt được đã đem lại lợi ích cho người dân” – ông Phan Ngọc Minh, Phó Trưởng ban Nội chính Thành ủy, thành viên Ban chỉ đạo thí điểm các trung tâm nhấn mạnh.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: MINH CHUNG

TP.HCM đã thành lập 10 trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án hai cấp. Đến nay, các trung tâm này đã tiếp nhận 4.869 đơn khởi kiện và đã hòa giải thành hơn 2.219 vụ việc, trong đó các vụ việc hôn nhân gia đình có tỷ lệ hòa giải thành cao nhất (đạt tỷ lệ 83,31%).
Sau bốn tháng thực hiện việc thí điểm, mô hình này cũng đã bộc lộ không ít khó khăn, vướng mắc làm cho hiệu quả của việc hòa giải chưa được cao. Do mới thành lập nên các đương sự không hiểu rõ về vai trò cũng như tin tưởng việc giải quyết tại trung tâm; việc xử lý kết quả hòa giải thành cũng như mẫu biên bản hòa giải chưa có sự thống nhất; các tranh chấp cần hòa giải ngày càng nhiều nhưng số lượng hòa giải viên, đối thoại viên cũng như thư ký giúp việc không đảm bảo, chính sách chi trả tiền lương cho đội ngũ này vẫn chưa rõ ràng…
Trên cơ sở đó các trung tâm kiến nghị TAND Tối cao sớm ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ để áp dụng thống nhất pháp luật trong các thủ tục hòa giải, đối thoại; đề nghị có nguồn kinh phí riêng để chi thường xuyên cho trung tâm; bổ sung thư ký giúp việc.
Ông Bùi Ngọc Hòa, nguyên Phó Chánh án thường trực TAND tối cao, thành viên Ban chỉ đạo trung ương thực hiện việc thí điểm các trung tâm hòa giải - đề nghị các trung tâm này cần đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng việc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về vai trò, cũng như lợi ích khi giải quyết các tranh chấp tại trung tâm đến với người dân.

Ông Phan Ngọc Minh (Phó Trưởng ban Nội chính Thành ủy, thành viên Ban chỉ đạo thí điểm các trung tâm hòa giải, đối thoại...) phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: MINH CHUNG.

Tại TP.HCM, các tranh chấp về dân sự, khiếu kiện về hành chính xảy ra ngày càng nhiều. Trung bình mỗi tháng, một thẩm phán tại TP.HCM phải giải quyết gần 12 vụ án, điều này gây không ít áp lực cho việc đảm bảo thời hạn tố tụng theo luật định.
Việc thành lập các trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án hai cấp TP.HCM là bước tiến cần thiết, cũng như bắt kịp với xu hướng của các nước trên thế giới, để giải quyết các tranh chấp về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại, hành chính… mà không cần thông qua quá trình giải quyết cũng như các thủ tục tố tụng thông thường.
Kết quả hòa giải nếu thành công và được tòa án công nhận vẫn có giá trị pháp lý bình thường như các bản án. Việc này đã tiết kiệm một chi phí không nhỏ cho ngân sách, hạn chế việc cưỡng chế thi hành án, nhất là tiết kiệm thời gian đi lại của người dân. đồng thời giảm thiểu các vụ án kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.
 
Củ Chi dẫn đầu về tỷ lệ hòa giải thành
10 trung tâm hòa giải tại tòa được thí điểm thành lập và đã đi vào hoạt động gồm: TP.HCM, quận Gò Vấp, quận Tân Phú, quận Bình Tân, quận Bình Thạnh, quận 1, quận 2, quận 9, huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi.
Có tổng số 90 người là hòa giải viên, đối thoại viên và 31 thư ký giúp việc đang làm việc tại 10 trung tâm. Những người này nguyên là thẩm phán, kiểm sát viên, cũng như có thời gian công tác, kinh nghiệm làm việc về các vấn đề liên quan đến pháp luật. Giám đốc trung tâm là Chánh án hoặc Phó Chánh án các TAND.
Đáng chú ý, trung tâm hòa giải tại TAND huyện Củ Chi đã tiếp nhận và hòa giải thành công 500 vụ việc, đạt lỷ lệ cao nhất trong số các trung tâm với 92,76%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm