VKS chất vấn điều tra viên, lộ ra khả năng bị cáo bị oan

Chiều 4-6, TAND tỉnh Hậu Giang tiếp tục phiên xét xử phúc thẩm vụ Huỳnh Hữu Nhơn (ngụ thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, Hậu Giang) kêu oan ở phần xét hỏi.

Tại tòa, phạm nhân-nhân chứng tên Rồi tiếp tục có những lời khai mâu thuẫn với phiên tòa sơ thẩm như chiếc xe phương tiện gây án là xe Wave vàng lợt do Nhơn mượn của một người tên Đặng. Tuy nhiên, ông Hùng - cha Đặng lại cho biết gia đình ông chỉ có ba chiếc xe dream.

Nhơn (trái) và phạm nhân - người làm chứng tên Rồi. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Tại phiên tòa sơ thẩm, Rồi khai thời điểm cướp, Nhơn mặc áo sơ mi, quần đen. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, Rồi lại khai Nhơn mặc áo thun tay ngắn màu xám trắng, mặc quần jean xanh. Đồng thời, Rồi khai sau khi bị bắt thì điều tra viên trực tiếp lấy lời khai Rồi. Tại cơ quan công an, Rồi cho rằng điều tra viên đã viết sẵn bản nhận tội và kêu Rồi ký vào.

Tại tòa, nhiều nhân chứng có lời khai hoàn toàn khác với tài liệu của cơ quan điều tra. Đặc biệt, ông Tôn khai là có lần điều tra viên Trung “lấy lời khai” tại quán cà phê.

Điều tra viên Trung tại tòa. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Giải thích về việc này, điều tra viên Trung cho rằng không phải lấy lời khai mà chỉ ngồi nói chuyện với Tôn. “Tôi và Tôn là bạn thân. Hôm đó Tôn có hỏi tôi vụ án tới đâu rồi, tôi mới nói là đang điều tra lại và có hỏi Tôn là có gặp Rồi chạy xe khi nào không. Tôi khẳng định không có tiết lộ thông tin vụ án cho người khác”, Trung nói.

Nhân chứng Mai cho biết khi được điều tra viên mời lên nhận dạng thì không nói nhận dạng làm gì, bà biết mặt Rồi nên chỉ chứ không biết Nhơn. Do bị mời làm việc nhiều lần cảm thấy phiền nên bà Mai có nói “mấy cán bộ muốn biên gì đó thì biên tôi ký nhanh về làm công việc nữa. Mấy chú cũng không có đọc lại biên bản. Tôi biết nhiêu khai nhiêu còn điều tra ghi gì nữa tôi không biết” - bà Mai khai. Đa số các nhân chứng (tại hiện trường) cho rằng chỉ được mời lên nhận dạng Rồi chứ không cho họ biết họ là nhân chứng vụ án.

Còn đối với nhân chứng quan trọng là vợ chồng ông Nam - bà Hương thì hai vợ chồng này vẫn khẳng định ngày xảy ra vụ án (17-4-2016) Nhơn đang làm thuê (chở mía chuyến cuối) cho ông bà ở Kiên Giang. Vợ chồng ông Nam có ghi chép thời gian làm việc.

Người làm chứng Nam ở Kiên Giang. Ảnh: HẢI DƯƠNG

“Tờ tường trình tôi cũng cấp cho cơ quan điều tra giống như nội dung tôi biết. Tôi cam đoan lời tường trình là sự thật. Phiên tòa nào tôi cũng dự làm chứng để làm hết trách nhiệm công dân và muốn mọi chuyện được sáng tỏ. Tòa sơ thẩm nói tôi gian dối nhưng tôi không biết mình gian dối cái gì. Từ đó đến nay tôi rất hoang mang”, ông Nam nói.

Tại tòa, bà Hương cũng đã cung cấp sổ ghi chép (sổ gốc) chứng minh thời điểm xảy ra vụ cướp Nhơn đang chở mía ở Kiên Giang cho HĐXX xem xét.

Kết thúc buổi xét xử, bà Hương xin lại quyển sổ ghi chép đã cung cấp cho tòa, ngày mai bà tiếp tục cung cấp cho tòa. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Còn ông Lê Văn Đắc (người vác mía) cũng cho biết ông có vác mía cho ghế của Nhơn hai ngày, cũng là chuyến cuối cùng luôn, nhưng không nhớ rõ ngày.

Trong phiên tòa hôm nay, Nhơn cho rằng bản thân bị điều tra viên Phương đánh, ép cung nhưng điều tra viên Phương phủ nhận.

Đại diện VKS hỏi điều tra viên về chứng cứ ngoại phạm mà vợ chồng ông Nam cung cấp có được xác minh, kiểm chứng hay không. Lúc này điều tra viên Phương cho rằng: “Ông Nam cung cấp chứng cứ là sổ ghi chép ghi ngày Nhơn xuống mía. Tuy nhiên, thời điểm này cơ quan điều tra đã đầy đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của Nhơn”.

Điều tra viên Phương

“Với vai trò của mình, điều tra viên cho rằng có chứng cứ buộc tội nhưng đối với các chứng cứ gỡ tội mà nhân chứng cung cấp thì điều tra viên có đi xác minh không? Như vậy điều tra viên đã làm tròn trách nhiệm của mình chưa, có khách quan hay không?” - đại diện VKS hỏi tiếp.

Lúc này điều tra viên Phương im lặng.

Phiên tòa tạm dừng; ngày mai (5-6) tòa tiếp tục xét xử.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm