VKSND Tối cao vừa ban hành thông báo rút kinh nghiệm đối với vụ án hình sự bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hủy án để xét xử sơ thẩm lại về phần trách nhiệm dân sự. Theo đó, viện đề nghị VKS các địa phương tổ chức nghiên cứu, tham khảo, rút kinh nghiệm chung trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự.
Theo hồ sơ, Trần Thị Bạch Huệ là chủ Doanh nghiệp Dịch vụ Thương mại và Du lịch Thúy Nga. Tháng 8-2009, Huệ đã nhận thế chấp quyền sử dụng đất của nhiều người để vay của Ngân hàng Việt Á Chi nhánh Cần Thơ. Huệ yêu cầu những người thế chấp ký ủy quyền hoặc chuyển nhượng cho nhiều người khác do Huệ thuê đứng tên để những người này tiếp tục thế chấp ngân hàng vay tiền cho Huệ.
Vay xong, Huệ viện cớ hoàn tất thủ tục sang tên để mượn lại các giấy chủ quyền đất, rồi sử dụng những giấy này tiếp tục thế chấp vay tiền ở các nơi khác hoặc chuyển nhượng cho người khác… Tổng số tiền Huệ chiếm đoạt của ngân hàng và các cá nhân, tổ chức khác là 64,2 tỉ đồng và 600 chỉ vàng SJC.
Trần Thị Kim Luyến (em Huệ) biết rõ các tài sản thế chấp do Huệ nhận cầm cố, thế chấp của người khác… nhưng vẫn tích cực giúp sức cho Huệ trong việc chiếm đoạt tài sản…
Tháng 10-2014, TAND TP Cần Thơ phạt Huệ tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bốn năm tù về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Luyến bảy năm tù về tội lừa đảo... Các cán bộ tín dụng bị phạt 5-17 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tòa cũng tuyên phần trách nhiệm dân sự đối với các bị cáo… Bản án này bị Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM sửa. Sau đó Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hủy phần quyết định trách nhiệm dân sự của hai bản án sơ, phúc thẩm để xử sơ thẩm lại.
Theo VKSND Tối cao, trong vụ trên có hai vấn đề cần rút kinh nghiệm. Thứ nhất: Không xác định cụ thể phần trách nhiệm dân sự phải bồi thường của các bị cáo phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Viện dẫn khoản 1 Điều 42 BLHS 1999 và Điều 616 BLDS 2005, VKS cho rằng trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người. Nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.
Trong vụ án này, tòa sơ thẩm tuyên buộc Luyến phải liên đới cùng Huệ bồi thường 4,2 tỉ đồng là đúng. Tuy nhiên, tòa không căn cứ vào tính chất, mức độ phạm tội của mỗi bị cáo đối với hậu quả gây ra để xác định cụ thể phần bồi thường của từng bị cáo. Việc tòa án quyết định Luyến phải bồi thường “sau khi Huệ hết khả năng bồi thường” là không đúng quy định pháp luật, gây khó khăn cho việc thi hành án.
Thứ hai: Xác định trách nhiệm bồi thường dân sự không đúng. Bốn bị cáo bị kết tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, không phải đồng phạm của Huệ về hành vi lừa đảo. Do đó, các bị cáo này không có trách nhiệm liên đới cùng Huệ bồi thường số tài sản mà Huệ đã chiếm đoạt của ngân hàng.
Cả hai cấp tòa đều sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật khi tuyên buộc các bị cáo này phải liên đới bồi thường cho ngân hàng. Đồng thời kiểm sát viên cũng không phát hiện những sai lầm trong việc tuyên trách nhiệm bồi thường dân sự của tòa án cấp sơ thẩm để khắc phục kịp thời. Đây là thiếu sót cần phải rút kinh nghiệm.