Vụ bắt nhốt đàn dê:Không phải tội công nhiên chiếm đoạt

Do muốn gây áp lực để đòi lại con dấu và giấy tờ của công ty từ ông Hồ Xuân Xanh, anh Nguyễn Trường Sơn đã bắt nhốt đàn dê của chị Phượng (anh Sơn cho rằng chị Phượng và ông Xanh có quan hệ tình cảm). Vì hành vi này, anh Sơn đã bị TAND huyện Định Quán tuyên phạt hai năm tù về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Bản án gây tranh cãi vì được cho là thiếu cơ sở vì hành vi chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
PLO xin giới thiệu ý kiến của một bạn đọc tranh luận về vụ án này (Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả):
Thế nào là công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác
Theo Điều 137 Bộ luật Hình sự, tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” là một trong các tội thuộc nhóm tội “Xâm phạm sở hữu” theo đó dấu hiệu đặc trưng của loại tội danh này nằm ở cụm từ “công nhiên”.
Vậy như thế nào là công nhiên? Đó là việc chiếm đoạt tài sản của người khác một cách công khai, trắng trợn và đây là yếu tố đặc trưng của tội phạm này, thể hiện qua các trường hợp như lợi dụng sơ hở của người quản lý tài sản hoặc lợi dụng hoàn cảnh khách quan khác, người bị hại lúc này rơi vào trạng thái “bất lực”, tức là không thể và không có khả năng ngăn cản hành vi phạm tội mặc dù mình biết rõ.
Đối chiếu với tình tiết vụ án cho thấy lúc anh Sơn bắt nhốt đàn dê thì chị Phượng có mặt tại hiện trường, hoàn toàn có khả năng ngăn cản hành vi của anh Sơn nhưng chị Phượng đã không thực hiện, để mặc cho anh Sơn bắt giữ đàn dê. Từ đó cho thấy anh Sơn không lợi dụng hoàn cảnh khách quan, phía người bị hại cũng không có bất kỳ sơ hở nào trong việc quản lý tài sản, hoàn toàn có khả năng thực hiện quyền quản lý tài sản của mình.
Việc TAND huyện Định Quán cho rằng “Do khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, bị cáo Sơn không hề có hành vi dùng vũ lực, đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn uy hiếp tinh thần đối với chị Phượng. Ngược lại, sau khi nghe bị cáo Sơn nói “Chị muốn gì thì ra công ty giải quyết” chị Phượng đã không can ngăn việc chiếm giữ tài sản của bị cáo Sơn nên tòa không có căn cứ để quy kết bị cáo tội cướp tài sản hoặc tội cưỡng đoạt tài sản” việc nhận định của tòa án chỉ chứng minh hành vi của anh Sơn không rơi vào các tội cướp tài sản hoặc cưỡng đoạt tài sản, chứ chưa đủ cơ sở để chứng minh hành vi của anh Sơn cấu thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.
Bên cạnh đó, trong nhận định của tòa án cũng thể hiện Sơn nói chị Phượng “Chị muốn gì thì ra công ty giải quyết”, như vậy rõ ràng chị Phượng đã định hình và nhận thức rõ mục đích của anh Sơn và bản chất vụ việc này liên quan đến các giấy tờ và con dấu của công ty.
Từ đó, các cơ quan tiến hành tố tụng bắt buộc phải xem xét đến trạng thái, hoàn cảnh của người bị hại lúc này như thế nào có rơi vào các trường hợp trong thuộc dấu hiệu mà tội công nhiên chiếm đoạt tài sản thể hiện hay không?
Bị cáo không có mục đích chiếm đoạt đàn dê
Theo như nội dung vụ án từ đầu đến cuối đều thống nhất thể hiện mục đích anh Nguyễn Trường Sơn hướng đến đó là lấy lại con dấu, giấy tờ công ty mà ông Hồ Xuân Xanh (nhân viên công ty) đang chiếm giữ. Nhận thấy giữa Ông Xanh và chị Phượng có mối quan hệ với nhau, đồng thời nghi ngờ đàn dê mà chị Phương đang chăn là của ông Xanh nên bị cáo Nguyễn Trường Sơn đã tiến hành bắt giữ để gây áp lực cho ông Xanh.
Như vậy, nếu xét về mặt chủ quan của tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” tội phạm thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp và mục đích bắt buộc phải là “mong muốn chiếm đoạt được tài sản” của người khác. Mục đích xuất hiện trước khi thực hiện hành vi phạm tội đồng thời phải chứng minh được mối liên hệ giữa hành vi bắt nhốt đàn dê của anh Sơn với mục đích mà anh Sơn hướng đến có phải là chiếm đoạt đàn dê hay không?
Đàn dê lúc này là tài sản nằm trong phạm vi quản lý của chị Phượng, hành vi của bị cáo chỉ là chiếm giữ trái phép đàn dê trong một khoảng thời gian chứ không thể quy kết chiếm đoạt đàn dê.
Trong quá trình thực hiện hành vi, anh Sơn có nói với chị Phượng “Chị muốn gì thì ra công ty giải quyết”, rõ ràng không tồn tại ý thức chiếm đoạt tài sản ở anh Sơn. Hơn nữa, sau khi nghe anh Sơn nói vậy, chị Phượng không có bất kỳ hành vi nào ngăn cản Sơn (cho dù có khả năng thực hiện) đã thể hiện được ý chí của chị Phượng biết rõ mục đích của anh Sơn không phải chiếm đoạt đàn dê của mình. Với trường hợp này, muốn buộc tội đối với anh Sơn cơ quan tiến hành tố tụng bắt buộc phải chứng minh được mục đích chiếm đoạt tài sản đó là đàn dê.
Việc các cơ quan tiến hành tố tụng chưa xác định đúng bản chất hành vi của bị cáo Nguyễn Trường Sơn, cũng như chưa đánh giá đúng và đủ các yếu tố cấu thành tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” trong vụ án này, ra bản án thiếu thuyết phục dẫn đến có khả năng gây ra oan sai. Và để đảm bảo việc xét xử đúng người đúng tội, tòa án cấp phúc thẩm cần tiến hành hủy bản án sơ thẩm để tiến hành điều tra lại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm