Vụ cụ bà 107 tuổi: Lý giải bất nhất của chủ tọa phúc thẩm

Ngày 3-4, ông Dương Công Lập, Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu, đã ủy quyền, phân công thẩm phán Nguyễn Lệ Kiều trả lời Pháp Luật TP.HCM xung quanh vụ án cụ bà 107 tuổi kiện con. Thẩm phán Kiều cũng chính là chủ tọa xét xử phúc thẩm vụ án trên, người ký ban hành Bản án 93/2018/DS-PT ngày 12-10-2018 (gọi tắt là Bản án 93).

“Tòa không tuyên cụ Tài ở với ai”

. Phóng viên:Thưa bà, VKSND tỉnh Bạc Liêu cho rằng Bản án 93 của TAND tỉnh là “không phù hợp với quy định pháp luật và đạo đức xã hội”. Bởi lẽ bản án này vô hình trung đã tước đi quyền được lựa chọn ở với người con nào và quyền tặng cho tài sản của cụ Nguyễn Thị Tài. Bà nghĩ sao về điều này?

+ Thẩm phán Nguyễn Lệ Kiều: Trước hết tôi khẳng định vụ án này là vụ án phân chia tài sản. HĐXX chỉ phân chia tài sản, không xem xét, quyết định gì liên quan đến việc cụ Tài ở với ai. HĐXX cũng không tước quyền định đoạt tài sản của cụ Tài. Tài sản của cụ vẫn còn đó và cụ còn đủ các quyền về tài sản theo luật định. Còn việc các cá nhân, tổ chức hiểu như vậy là việc của họ, tôi không bình luận.

Về quan điểm xét xử vụ án này, tôi khẳng định là HĐXX đã xem xét thấu đáo, toàn diện mọi mặt, mọi chứng cứ. Phần đất đã được định giá và chia làm ba phần cho ba người, mỗi người 91,5 triệu đồng. Phần căn nhà do bà Lan xây dựng nên bà được hưởng. Tòa sơ thẩm đã tuyên vậy. Tòa phúc thẩm chỉ sửa án là bà Lan nhận tiền, còn bà Hồng và cụ Tài nhận hiện vật. Việc tuyên vậy là do HĐXX đã cân nhắc bà Hồng đang không có chỗ ở nào khác, còn bà Lan thì các chứng cứ cho thấy đã có nhà, đất khác ở Đông Hải, Bạc Liêu.

Cũng nói thêm là bà Lan và bà Hồng đều là con của cụ Tài, cùng ở chung với cụ Tài tại căn nhà này từ nhỏ đến giờ. Bà Lan đang có nhà, còn bà Hồng thì không. Từ đó HĐXX tuyên vậy, tôi khẳng định là phù hợp, đúng đắn.

. Theo đơn kêu cứu của cụ Tài, với phán quyết của Bản án 93, cụ không thể thực hiện ý chí tặng phần tài sản 1/3 cái nền nhà của mình cho người con gái tên Lan. Án tuyên 2/3 nền nhà và căn nhà thuộc về bà Hồng, bị đơn; cụ Tài 1/3 nền nhà. Thẩm phán thấy cụ Tài có thể đăng ký quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở theo quy định được không? Cụ Tài có thể cho bà Lan được không, bằng cách nào, quy trình như thế nào?

+ Việc cụ Tài muốn tặng cho ai phần tài sản đó không thuộc nội dung xét xử của vụ án, HĐXX không có xem xét. Còn về cách cho, quy trình, thủ tục như thế nào thì tôi không có trách nhiệm giải thích. Cụ Tài là người cao tuổi có các ưu đãi nhất định, cụ có thể nhờ tư vấn pháp luật miễn phí ở bộ phận tư vấn pháp luật của Sở Tư pháp.

. Thưa thẩm phán, trong Bản án 93, tôi không thấy đề cập đến các căn cứ pháp luật riêng, cụ thể đã áp dụng để xét xử vụ án này, tòa chỉ căn cứ vào BLTTDS và các quy định về án phí để tuyên xử. Tại sao vậy?

+ Đó là do lỗi kỹ thuật trong quá trình viết ban hành bản án.

Cụ bà Nguyễn Thị Tài mong muốn ở với bà Lan chứ không muốn ở với bà Hồng.  Ảnh: CHÍ HẠO

Án ghi rất rõ: Cụ Tài ở với bà Hồng

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, cụ Tài và 13 người con, cháu kiện người con còn lại là bà Hàng Thị Hồng để chia tài sản. Nguyên đơn yêu cầu chia cho người con tên Lan 1/3, cụ Tài 1/3 và bà Hồng 1/3; bà Lan trả tiền trị giá 1/3 tài sản (nhà, đất) cho bà Hồng rồi ở lại căn nhà này chăm sóc, phụng dưỡng cụ Tài.

Xử sơ thẩm, TAND thị xã Giá Rai tuyên chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Tuy nhiên, TAND tỉnh Bạc Liêu tuyên sửa theo hướng gần như ngược lại. Đó là bà Hồng được sở hữu và ở lại căn nhà, bà Lan phải ra đi sau khi nhận phần di sản bằng tiền (1/3 giá trị di sản). Bà Hồng được tuyên có quyền xác lập chủ quyền nhà, đất chung với cụ Tài.

thẩm phán Nguyễn Lệ Kiều cho rằng tòa chỉ tuyên phân chia tài sản chứ không tuyên cụ Tài ở với ai. Thế nhưng trong Bản án 93 nói trên, tòa nêu rõ: “Để đảm bảo cho gia đình bà Hồng có nơi ở và sinh sống ổn định cần tiếp tục cho bà Hồng và cụ Tài ở lại căn nhà số 50 đường 30-4… đồng thời có trách nhiệm chăm sóc và nuôi dưỡng cụ Nguyễn Thị Tài…”.

Chính vì vậy, trong báo cáo đề nghị cấp trên kháng nghị giám đốc thẩm, VKSND tỉnh Bạc Liêu cho rằng: “Cụ Tài và bà Hồng có mâu thuẫn trong cuộc sống hằng ngày, cụ Tài không thể ở chung với bà Hồng được nên khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung; quyền lợi của cụ Tài và bà Hồng là đối lập nhau. Bản án tuyên bị đơn có trách nhiệm chăm sóc nguyên đơn là trái với ý chí của cụ Tài, không phù hợp với quy định của pháp luật và đạo đức xã hội”.

Không thể tặng cho 1/3 nền nhà

Vụ cụ bà 107 tuổi: Lý giải bất nhất của chủ tọa phúc thẩm ảnh 2
Với căn nhà bề ngang 4,4 m , làm thế nào để cụ Tài tách sổ và tặng cho bà Lan?! Ảnh: TRẦN VŨ

Quyết định 26/2018 của UBND tỉnh Bạc Liêu (quy định về diện tích đất tối thiểu khi tách thửa trên địa bàn tỉnh này) nêu rõ: Đối với đất ở thuộc phường, thị trấn “Trường hợp thửa đất đơn lẻ, diện tích tối thiểu tách thửa đất mới và thửa đất còn lại sau khi tách thửa không nhỏ hơn 50 m2, với chiều sâu và bề rộng thửa đất, được tính từ chỉ giới xây dựng bằng hoặc lớn hơn 5 m2”.

Trong khi cụ Tài được TAND tỉnh Bạc Liêu tuyên nhận bằng hiện vật, tức đất đai, số đất có diện tích là 1/3 của nền nhà 91,5 m2. Nền đất này có chiều ngang 4,4 m và dài 20 m. Vậy làm thế nào để cụ Tài tách thửa, tặng cho 1/3 nền nhà cho bà Lan? 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...